7 thói quen giúp phòng ngừa đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại Việt Nam. Vì vậy, việc nhận biết sớm triệu chứng đục thủy tinh thể cũng như thực hiện các thói quen tốt để ngăn ngừa tình trạng này là rất quan trọng. vivision kid sẽ chia sẻ với bạn các thông tin về vấn đề này.
Những triệu chứng khi bị đục thủy tinh thể
Bình thường thủy tinh thể là một cấu trúc trong suốt 2 mặt lồi, giúp ánh sáng đi qua và hội tụ trên võng mạc.
Bệnh đục thủy tinh thể (hay đục nhân mắt, cườm khô, cườm đá) là tình trạng thủy tinh thể bị đục, làm cho ánh sáng không thể đi xuyên qua để tới võng mạc, gây ra các triệu chứng sau:
- Giảm thị lực: là triệu chứng rất quan trọng. Thường là nhìn mờ cả hai mắt khá cân xứng. Đục thủy tinh thể thường bắt đầu từ việc nhìn xa mờ, sau đó nhìn gần cũng bị ảnh hưởng, trừ thể đục dưới bao sau thuỷ tinh thể;
- Nhìn mờ như có màn sương trước mắt: giai đoạn đầu, người bệnh có thể ít bị ảnh hưởng đến tầm nhìn, đôi khi sẽ có cảm thấy mọi vật hơi mờ giống như có màn sương mỏng trước mắt. Tuy nhiên, biểu hiện này sẽ tăng dần, màng mờ ngày càng dày lên, làm cho mọi vật mờ rõ rệt;
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng: Nhìn lóa mắt, chói mắt và nhạy cảm với ánh sáng là một dấu hiệu phổ biến khi mắc đục thủy tinh thể. Tiếp xúc với ánh sáng mạnh khiến cho người bệnh cảm giác đau mắt, khó chịu;
- Nhìn đôi (song thị): đục thủy tinh thể có thể làm cho bạn nhìn một vật thành hai thành hai hình ảnh, thậm chí là nhiều hơn nữa. Khi tình trạng đục thủy tinh thể tiến triển nặng lên thì triệu chứng này có thể biến mất.
Những yếu tố nguy cơ của đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể thông thường xảy ra ở độ tuổi trên 40, có liên quan trực tiếp với quá trình lão hóa. Ngoài ra, các yếu tố sau được xem là làm gia tăng nguy cơ đục thủy tinh thể:
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Các nguyên cứu chỉ ra rằng: ánh sáng từ tia cực tím là tác nhân góp phần vào sự phát triển bệnh đục thủy tinh thể kể cả ở giai đoạn đầu;
- Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động: tiếp xúc với khói thuốc lá làm giảm hàm lượng oxy trong thủy tinh thể, làm cho nó dần mất đi độ trong suốt tự nhiên, chuyển thành đục mờ. Hơn nữa, kim loại nặng cadmium có độc tính cao trong khói thuốc có xu hướng tích tụ ở nhân thủy tinh thể, thúc đẩy nhanh chóng quá trình hình thành bệnh;
- Chấn thương mắt làm tổn thương thủy tinh thể;
- Tiền sử từng bị viêm nhiễm tại mắt;
- Dùng thuốc corticosteroid kéo dài;
- Mắc một số bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì,…
7 thói quen giúp phòng ngừa đục thủy tinh thể
Thực tế hiện nay cho thấy bệnh đục thủy tinh thể đang có xu hướng trẻ hóa. Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo rằng cách tốt nhất để phòng ngừa đục thủy tinh thể là duy trì các thói quen sinh hoạt khoa học cũng như áp dụng một số biện pháp khác giúp bảo vệ mắt.
Đeo kính râm hoặc đội mũ rộng vành
Để bảo vệ mắt trước các tác hại lên mắt của tia cực tím, các chuyên gia Nhãn khoa đưa ra các lời khuyên như sau:
- Mang kính râm có chức năng ngăn chặn tối đa tia UV;
- Nên dùng kính ngăn được cả tia UVA và UVB;
- Nếu đang sử dụng kính tiếp xúc loại chống tia UV thì bạn vẫn nên đeo thêm kính râm hoặc đội mũ rộng vành bổ trợ.
Bổ sung dinh dưỡng
Chúng ta không thể thay đổi tuổi tác của bản thân nhưng hoàn toàn có thể thực hiện một chế độ ăn uống khoa học. Các thực phẩm giàu vitamin A, C, E và omega-3 có thể giúp phòng ngừa đục thủy tinh thể bằng cách giảm thiểu quá trình oxy hóa thủy tinh thể. Đối với người đã mắc bệnh, những chất này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Các thực phẩm điển hình là trứng, sữa, cá, rau củ quả có màu vàng, màu cam hoặc các loại rau có màu xanh đậm như rau ngót, súp lơ,…
Ngừng tiếp xúc khói thuốc lá
Thuốc lá chứa các chất độc gây hại cho thủy tinh thể. Lạm dụng thuốc lá càng nhiều thì thị lực càng suy giảm nặng nề, thậm chí mù lòa. Vì vậy hãy tránh xa khói thuốc lá để bảo vệ toàn diện cho sức khỏe đôi mắt.
Kiểm soát đường máu
Tiểu đường là nguyên nhân rất phổ biến gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mắt, phải kể đến là bệnh đục thủy tinh thể. Với bệnh nhân tiểu đường, kiểm soát, duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định là rất quan trọng. Nó vừa giúp bảo vệ sức khỏe chung, lại giúp phòng ngừa đục thủy tinh thể.
Bảo vệ mắt khỏi chấn thương
Chấn thương mắt cũng là một yếu tố nguy cơ của đục thủy tinh thể. Vì vậy, để phòng tránh bệnh lý nãy, hãy bảo vệ tốt cho đôi mắt khỏi chấn thương.
Không lạm dụng thuốc corticoid
Một số trường hợp khi bị nhìn mờ, đau mắt, ngứa mắt,… thường tự mua thuốc để điều trị tại nhà. Các thuốc này có thể chứa thành phần corticoid.
Bạn cần lưu ý là các loại thuốc chứa corticoid này thường chỉ để điều trị một số bệnh về mắt và chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Do đó, việc dùng không đúng chỉ định hoặc dùng lâu dài những loại thuốc này có thể gây một số biến chứng nghiêm trọng như: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, khô mắt, bội nhiễm vi khuẩn, nấm,…
Khám mắt định kỳ
Đục thủy tinh thể nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ thị lực được phục hồi hoàn toàn cao. Tuy nhiên, đây là bệnh lý có thời gian ủ bệnh lâu dài và các triệu chứng khởi phát thường nhẹ nhàng, âm thầm, hay bị bỏ qua… Đến khi mắt bị tổn thương nặng nề mới phát hiện ra, lúc này gây nhiều khó khăn trong điều trị. Vì vậy để phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này, bạn nên chủ động đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần.
vivision kid hi vọng bài viết trên đây giúp quý bạn đọc có thêm các thông tin hữu ích về bệnh đục thủy tinh thể. Dù đây là bệnh lý thể hiện sự lão hóa theo tuổi nhưng việc thực hiện những thói quen trên không chỉ giúp giảm tiến trình bệnh mà còn là thói quen tốt cho sức khỏe đôi mắt nói chung.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: