Cách chữa dị ứng mắt tại nhà giúp bé chóng khỏi mà không cần dùng thuốc
Dị ứng mắt làm trẻ ngứa ngáy, gây nhiều khó chịu. Một số trường hợp không cần dùng thuốc mà có thể áp dụng các cách chữa dị ứng mắt tự nhiên cũng có thể giúp bé chóng khỏi. Vậy các phương này là gì và quy trình thực hiện ra sao?
Dị ứng mắt là gì
Trước tiên, để hiểu rõ hiệu quả của các cách điều trị dị ứng mắt tại nhà, hãy cùng vivision kid tìm hiểu một số thông tin về dị ứng mắt.
Dị ứng mắt xảy ra khi mắt tiếp xúc với những tác nhân gây kích ứng như: Bụi bẩn, mạt nhà, nấm mốc, các sản phẩm chăm sóc da, lông thú cưng,…hoặc do dị ứng thức ăn, thời tiết, … Bệnh lý này phổ biến vào các thời điểm giao mùa.
Dị ứng nói chung là một phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng – gọi là dị nguyên. Tương tự, khi mắt tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể sẽ sản xuất ra histamine, từ đó gây ra một số triệu chứng tại mắt như: ngứa mắt, đỏ, rát mắt, sưng nề mi mắt, chảy nhiều nước mắt,…
Cách chữa dị ứng mắt bằng những nguyên liệu tại nhà
Tình trạng dị ứng mắt có thể gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày của trẻ. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý về mắt lành tính và có thể chữa trị bằng các nguyên liệu tự nhiên.
Chườm mát
Khi chườm mát, quá trình tuần hoàn tại mắt được cải thiện đáng kể, giúp giảm viêm, giảm sưng mắt, hạn chế tình trạng ngứa và đỏ da quanh vùng mắt.
Quy trình chườm mát gồm các bước sau:
- Bước 1: Giặt một chiếc khăn sạch
- Bước 2: Lấy khăn bọc một viên đá lạnh hoặc nhúng khăn vào nước lạnh
- Bước 3: Yêu cầu trẻ nhắm mắt, chườm mát quanh mắt khoảng 7 – 10 phút
- Có thể lặp lại quy trình này 2 -3 lần một ngày nếu trẻ cảm thấy dễ chịu, các triệu chứng của dị ứng quanh vùng mắt được cải thiện.
Khi thực hiện quy trình chườm mát, bạn cần chú ý sử dụng khăn sạch để tránh lây nhiễm vi khuẩn, virus và phải sử dụng các khăn khác nhau cho từng mắt trong trường hợp bị viêm nhiễm mắt kèm theo. Bên cạnh đó, bố mẹ chỉ nên ngâm khăn vào nước có nhiệt độ phù hợp (không quá lạnh) và tuyệt đối không đặt đá lạnh trực tiếp lên da, nhằm tránh các ảnh hưởng xấu lên mắt.
Dưa chuột
Do đặc tính làm mát và chống viêm của dưa chuột, việc lựa chọn thực phẩm này để đắp mắt có thể giúp giảm sưng nề, đau nhức, ngứa mắt. Bạn có thể tham khảo cách thức thực hiện như sau:
- Bước 1: Chọn những quả dưa chuột không bị hư hại, rửa sạch với nước muối
- Bước 2: Thái dưa chuột thành các miếng tròn
- Bước 3: Đặt các miếng đã thái vào hộp sạch, để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút để đảm bảo đủ độ lạnh
- Bước 4: Yêu cầu trẻ nhắm mắt, đặt lên mắt các miếng dưa chuột trong khoảng 5 – 10 phút.
- Nếu cảm thấy dễ chịu, giảm ngứa, giảm sưng sau khi đắp, bạn có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
Lô hội
Lô hội (nha đam) chứa nhiều khoáng chất có lợi và giàu hàm lượng vitamin A, C, E đều rất tốt cho mắt. Ngoài ra, nó cũng có đặc tính làm mát và chống viêm, vì vậy việc đắp mắt bằng ruột lô hội cũng là một cách chữa dị ứng mắt hiệu quả.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Rửa sạch lá lô hội, bóc vỏ ra và thái ruột lô hội thành từng lát mỏng
- Bước 2: Đặt các lát lô hội này vào hộp sạch, để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút để đảm bảo đủ độ lạnh rồi mới lấy ra sử dụng
- Bước 3: Yêu cầu trẻ nhắm mắt, đặt các miếng lô hội lên vùng da xung quanh mắt trong khoảng 15 – 20 phút. Chú ý: không để lô hội rơi vào mắt
- Bước 4: Rửa lại với nước sạch
Nước hoa hồng
Nước hoa hồng có tính chất giảm ngứa và giảm mẩn đỏ trên da, kể cả da vùng quanh mắt. Vì vậy, ba mẹ có thể dùng bông tẩy trang thấm một lượng vừa đủ nước hoa hồng, đắp lên mắt cho con trong khoảng 15 – 20 phút cũng giúp cải thiện đáng kể triệu chứng dị ứng.
Trà hoa cúc
Dùng trà hoa cúc ấm có thể giúp giảm các triệu chứng sưng viêm, chữa lành tổn thương da. Để thực hiện cách chữa dị ứng mắt tại nhà này, trước tiên hãy hãm 2 túi trà bằng nước nóng khoảng 70 – 80 độ C. Sau đó để 2 túi bã trà vào ngăn mát tủ lạnh. Sau khi lấy ra, bạn có thể sử dụng nó để đắp lên mắt trong khoảng 10 – 15 phút.
Để các cách điều trị dị ứng mắt tại nhà này đạt hiệu quả tối đa, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nên chọn loại nguyên liệu bạn đã biết trẻ không bị kích ứng ở các lần sử dụng trước đây
- Chú ý vệ sinh tay khi thực hiện các quy trình đắp mắt cho trẻ
- Không để các nguyên liệu trên vào ngăn đá hoặc để lâu ở ngăn mát
- Dặn trẻ không được dụi tay lên mắt
- Khuyến khích trẻ chớp mắt thường xuyên.
Khi nào dị ứng mắt cần thăm khám bác sĩ?
Các cách điều trị dị ứng mắt tại nhà nêu trên thực tế chỉ hỗ trợ làm giảm triệu chứng. Cần đưa trẻ đi khám ngay khi gặp phải các tình huống sau:
- Không chắc chắn bị dị ứng mắt: do triệu chứng dị mắt khá đa dạng và có nhiều triệu chứng tương tự với các biểu hiện của bệnh mắt khác. Đây là một trường hợp trẻ cần được thăm khám bởi bác sĩ
- Triệu chứng dị ứng tiến triển nặng lên: Ngứa nhiều hơn, sưng đỏ mi mắt nặng nề,… hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện bất thường khác, hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức
- Tình trạng dị ứng kéo dài: thông thường, các biểu hiện dị ứng sẽ thuyên giảm trong 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, nếu không đỡ, kéo dài nhiều ngày, bạn nên đưa con đi khám bác sĩ.
Như vậy, vivision kid đã cung cấp cho bạn một số cách chữa dị ứng mắt bằng nguyên liệu tự nhiên hiệu quả tại nhà. Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ nhằm hỗ trợ giảm triệu chứng, việc thăm khám bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín để có những phương pháp điều trị cụ thể hơn là rất cần thiết.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.