Top 3 nguyên nhân gây mờ mắt có thể bạn gặp phải
Mờ mắt có thể gặp ở mọi đối tượng từ trẻ cho, người trưởng thành cho đến người già. Vậy nguyên nhân gây ra mờ mắt là gì? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn 3 nguyên nhân thường gặp nhất gây mờ mắt.
Mờ mắt do có tật khúc xạ
Mắt là cơ quan của hệ thống thị giác, nó giúp thu thập những thông tin, hình ảnh của đối tượng sau đó những tín hiệu về hình ảnh này sẽ được đưa lên não để xử lý. Mắt giúp con người có thể đọc sách, đi lại, ngắm nhìn thế giới xung quanh… Mờ mắt là tình trạng mắt không nhìn được hình ảnh rõ ràng, cảm giác như có màng trước mắt, có thể mờ toàn bộ hoặc mờ một vùng.
Ở những người bình thường, hình ảnh sẽ được hội tụ tại một điểm trên võng mạc (hoàng điểm), nhưng ở những người có tật khúc xạ những hình ảnh này sẽ hội tụ tại một điểm khác trên võng mạc (có thể trước hoặc sau võng mạc) từ đó gây ra hiện tượng mờ mắt.
Hiện nay, theo thống kê của WHO, tình trạng mắc tật khúc xạ ở Việt Nam đang ở ngưỡng đáng báo động, tỷ lệ mắc cao ở lứa tuổi học sinh và ở thành phố cao hơn nông thôn. Tật khúc xạ bao gồm loạn thị, viễn thị, cận thị, lão thị, trong đó thường gặp nhất là cận thị. Một người có tật khúc xạ sẽ có mắt bề ngoài trông như bình thường, nhưng không nhìn được rõ nếu không có kính.
Mờ mắt do cận thị
Cận thị là một tật khúc xạ mắt trong đó các tia sáng đi vào mắt và hội tụ tại 1 điểm trước võng mạc. Cận thị thường được gọi là “mắt nhìn gần” – bởi vì một người cận thị sẽ nhìn gần tốt hơn nhìn xa dù bất kể ở độ tuổi nào.
Nguyên nhân cận thị là do trục nhãn cầu dài ra hoặc do giác mạc cong quá mức và/hoặc thể thủy tinh tăng công suất.
Những người cận thị thường phàn nàn: họ nhìn xa mờ, không nhìn thấy những người ở xa, có thể nhìn rõ hơn khi nheo mắt và khi ở trong tối hoặc những nơi thiếu ánh sáng họ thường nhìn kém hơn.
Mờ mắt do viễn thị
Trái ngược lại với cận thị thì viễn thị thường được gọi là “mắt nhìn xa” và khi bị viễn thị, ánh sáng từ một vật ở xa hội tụ sau võng mạc.
Viễn thị có thể do: Trục nhãn cầu quá ngắn, giác mạc và/hoặc thể thủy tinh dẹt quá (không đủ cong).
Hầu hết những người viễn thị phàn nàn khó nhìn gần – họ thường nói rằng nhìn gần kém so với nhìn xa. Ngoài ra họ có thể phàn nàn rằng: Mỏi mắt (mắt đau, mệt mỏi, khô, hoặc chảy nước); khó đọc sách hoặc làm các việc nhìn gần; nhìn xa kém, nhất là khi càng nhiều tuổi và có viễn thị cao.
Mờ mắt do loạn thị
Loạn thị là khi giác mạc và/hoặc thể thủy tinh có hình bầu dục, giống như một quả trứng hoặc quả bóng bầu dục chứ không phải hình tròn như quả bóng. Bề mặt giống như quả bóng bầu dục được gọi là mặt toric (một kinh tuyến vồng hơn,cong hơn, kinh tuyến kia dẹt hơn, cong ít hơn):
Mặt toric làm cho ánh sáng đến mắt hội tụ ở 2 điểm khác nhau thay vì ở một điểm duy nhất như mắt bình thường.
Người loạn thị có thể phàn nàn:
- Mỏi mắt (mắt đau, mệt mỏi, đỏ, khô, hoặc chảy nước);
- Đau đầu;
- Nhìn mờ cả ở xa và gần, nhòe hoặc méo mó, nhìn một vật có bóng mờ bên cạnh.
Mờ mắt do lão thị
Khi chúng ta già đi, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu lão hoá, thuỷ tinh thể cũng vậy. Ở người lớn tuổi, thuỷ tinh thể cứng dần hơn, làm giảm dần khả năng hội tụ vào các vật ở gần (điều tiết) gây mờ mắt. Tình trạng này gọi là lão thị, thường xảy ra ở độ tuổi 40-45 tuổi và tăng dần khi tuổi tăng thêm.
Người lão thị sẽ gặp khó khăn với các việc nhìn gần như đọc sách hoặc khâu vá. Khi mới bị lão thị, họ có thể phàn nàn những điều như: Tay tôi không đủ dài, chữ ở báo quá nhỏ, tôi thấy khó xâu kim,…
Mờ mắt do bệnh mắt
Tình trạng mờ mắt không những do tật khúc xạ mà còn có thể do bệnh lý nào đó tiềm ẩn. Một số bệnh mắt phổ biến gây nhìn mờ như đục thuỷ tinh thể, viêm giác mạc, thoái hoá hoàng điểm tuổi già…
Để có thể nhìn được, ánh sáng cần đi qua các môi trường trong suốt như (giác mạc, tiền phòng, thuỷ tinh thể, dịch kính), tiếp đó hội tụ trên võng mạc (hoàng điểm), sau đó truyền tín hiệu lên não. Nếu các môi trường trong suốt bị đục làm cản trở ánh sáng đến võng mạc gây giảm thị lực – nhìn mờ.
Mờ mắt do bệnh lý toàn thân
Ngoài những bệnh lý tại mắt gây mờ mắt, những bệnh lý toàn thân như cao huyết áp, đái tháo đường, các bệnh mạch máu… cũng ảnh hưởng không nhỏ lên mắt.
- Bệnh cao huyết áp: Những cơn cao huyết áp kéo dài gây vỡ các mạch máu, chủ yếu là mạch máu võng mạc gây xuất huyết võng mạc – dịch kính , dẫn đến mờ mắt hoặc thậm chí là mù mắt vĩnh viễn;
- Bệnh đái tháo đường cũng gây ra các biến chứng tại mắt như bệnh võng mạc đái tháo đường, đục thể thủy tinh và glôcôm gây giảm thị lực. Khi đường huyết tăng cao, các mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt dẫn đến các bệnh lý về võng mạc.
Mờ mắt làm sao để khỏi
Tuỳ vào nguyên nhân gây mờ mắt sẽ có biện pháp điều trị khác nhau:
- Mờ mắt do tật khúc xạ cần cân nhắc đến việc chỉnh kính làm ảnh hội tụ trên võng mạc rõ nét;
- Mờ mắt do bệnh tại mắt có thể sử dụng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật tuỳ bệnh khác nhau;
- Mờ mắt do bệnh toàn thân cần phối hợp điều trị tốt bệnh toàn thân và bệnh mắt. Mờ mắt do đái tháo đường hoặc cao huyết áp cần kiểm soát huyết áp và lượng đường huyết ổn định.
Mờ mắt có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân đồng thời gây ra, tuỳ từng nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau. Đôi khi mờ mắt cũng là biểu hiện cảnh báo bạn đang mắc bệnh toàn thân nào đó. Vì vậy, khi có các bất thường tại mắt cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được các bác sỹ thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Đặc biệt cần đi khám mắt và sức khỏe toàn thân định kỳ 6 tháng một lần để có thể kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh, tránh để tình trạng bệnh tiến triển.
vivision kid luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn, liên hệ vivision kid ngay để được tư vấn!
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: