Top 5 bệnh mờ mắt ở người già phổ biến
Bệnh mờ mắt ở người già là một vấn đề phổ biến, có nguyên nhân rất đa dạng và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến thị lực. Dưới đây là top 5 bệnh mờ mắt phổ biến ở người già mà vivision kid sẽ chia sẻ với bạn.
Đục thể thuỷ tinh gây mờ mắt
Đục thể thuỷ tinh ở người già là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay, tuy không nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng nhưng sẽ làm cho cuộc sống của người bệnh trở nên khó khăn hơn.
Bình thường, thủy tinh thể trong suốt, làm nhiệm vụ cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ ánh sáng vào đúng võng mạc, giúp nhìn rõ vật. Bệnh lý này xuất hiện là do quá trình lão hóa tự nhiên của thủy tinh thể, khiến nó mất đi độ trong suốt, trở nên mờ đục, dẫn tới đường truyền ánh sáng bị ảnh hưởng và che mờ tầm nhìn.
Đục thủy tinh thể gây ra một số triệu chứng như: Mờ mắt, giảm tầm nhìn và bị chói khi ra ngoài hoặc khi nhìn ánh sáng. Tốc độ của suy giảm thị lực tỷ lệ thuận với tốc độ mờ của thủy tinh thể.
Về điều trị, thay thủy tinh thể nhân tạo là phương pháp duy nhất được áp dụng hiện nay. Phần thủy tinh thể sẽ được tán nhuyễn nhờ năng lượng Phaco, sau đó được hút bỏ và cuối cùng là cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo (kính nội nhãn) vào trong mắt.
Glaucoma (thiên đầu thống)
Glaucoma là một nhóm các bệnh lý gây tổn thương thần kinh thị giác dần dần và không hồi phục do tăng nhãn áp. Hậu quả có thể dẫn đến mờ mắt ở người già, suy giảm thị lực, thị trường. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
Trong giai đoạn đầu, bệnh glaucoma thường không có triệu chứng rõ ràng và không gây đau. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ dần mất đi tầm nhìn từ ngoại vi vào trung tâm. Khi tiến triển nặng hơn, tầm nhìn thẳng phía trước có thể sẽ giảm xuống đến khi không còn tầm nhìn.
Điều trị sớm giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, đây là lý do tại sao chẩn đoán kịp thời rất quan trọng. Các phương pháp điều trị bệnh glaucoma về cơ bản bao gồm: sử dụng thuốc, phẫu thuật thông thường, phẫu thuật tạo hình bằng tia laser.
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già là một bệnh lý suy giảm lớp võng mạc và hoàng điểm (đây là khu vực trung tâm của võng mạc và chứa mật độ lớn các tế bào cảm nhận ánh sáng), thường xuyên xuất hiện ở người già. Do đó, đây cũng là một trong 5 bệnh lý gây mờ mắt ở người già.
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già gồm 2 loại:
- Thể khô: đây là thể phổ biến hơn, do các tế bào cảm thụ ánh sáng ở hoàng điểm dần bị phá vỡ. Các chất thải tích tụ từ các tế bào này có thể tạo ra cặn trong võng mạc. Thường thể khô không có sẹo, không bị chảy máu hoặc xuất tiết ở hoàng điểm;
- Thể ướt: do các mạch máu bất thường phát triển ở lớp hắc mạc (là lớp mạch máu ở giữa võng mạc và củng mạc) dưới hoàng điểm, gây xuất tiết và xuất huyết (do đó được mô tả như là “ướt”). Cuối cùng, mô sẹo phát triển dưới hoàng điểm.
Tùy thuộc vào từng thể mà người bệnh sẽ có một số triệu chứng riêng. Nhìn chung, khi bị bệnh sẽ có biểu hiện mờ mắt ở tầm nhìn trung tâm và khó nhìn rõ các chi tiết nhỏ.
Hiện tại không có thuốc đặc trị để đảo ngược tổn thương do thoái hoá hoàng điểm tuổi già gây ra. Tuy nhiên, tùy vào thể bệnh mà có một vài biện pháp có thể kìm hãm sự phát triển của bệnh.
Võng mạc đái tháo đường
Khi bị đái tháo đường, nếu đường huyết không kiểm soát được có thể gây nhiều biến chứng tại các cơ quan khác, trong đó biến chứng mắt rất hay gặp. Bệnh sinh của bệnh võng mạc đái tháo đường là do tổn thương các vi mạch máu ở võng mạc, ảnh hưởng đến các tiểu động mạch, mao mạch và các tiểu tĩnh mạch.
Bệnh võng mạc đái tháo đường thường ảnh hưởng tới cả hai mắt. Khi mới bắt đầu ảnh hưởng tới mắt, thông thường người bệnh sẽ không phát hiện bất thường do những triệu chứng rất mờ nhạt. Sau đó, khi bệnh tiến triển nặng lên sẽ có biểu hiện nhìn mờ mắt, thấy ruồi bay (cảm giác có đốm đen hoặc các sợi màu đen ở trước mắt), nhìn đêm kém,…
Khi những triệu chứng về thị lực xuất hiện rõ ràng thì võng mạc đã bị tổn thương đáng kể. Do vậy, khi bị đái tháo đường nên đi kiểm tra mắt định kỳ để bác sĩ theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng tại mắt cũng như các cơ quan khác, tránh tình trạng mờ mắt ở người già.
Khô mắt
Một bệnh lý gây mờ mắt ở người già cũng rất phổ biến là khô mắt. Bình thường nước mắt đóng vai trò trong việc bôi trơn các bề mặt mắt, giúp mắt cử động dễ dàng, đồng thời có tác dụng rửa trôi, đẩy sạch bụi bẩn, dị vật ra khỏi mắt. Ngoài ra, nước mắt cũng có tác dụng dinh dưỡng cho nhãn cầu…
Khi tuyến lệ bị lão hóa dần theo tuổi, khả năng tiết nước mắt sẽ bị suy giảm. Lúc này tuyến lệ không cung cấp đủ nước mắt cho quá trình bôi trơn cùng một số chức năng khác, tình trạng khô mắt sẽ xuất hiện. Bệnh lý này xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở độ tuổi ngoài 50.
Tình trạng khô mắt có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau như: khô mắt, cảm giác cộm như có dị vật bất thường trong mắt, thường xuyên bị chảy nước mắt, mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác nhức mỏi mắt nhiều khi nhìn tập trung,… Vì vậy, bạn nên phòng ngừa nguy cơ khô mắt bằng một số biện pháp như: hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt, tra nước mắt nhân tạo khi cần thiết,…
Trên đây là top 5 bệnh mờ mắt ở người già phổ biến mà vivision kid muốn gửi tới quý bạn đọc. Ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh lý có biểu hiện không rõ ràng, khi xuất hiện các triệu chứng suy giảm thị lực thì các tổn thương đã nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người già cần kiểm tra mắt định kỳ để bác sĩ có thể phát hiện sớm và điều trị những vấn đề này kịp thời. Điều này giúp kiểm soát và giảm thiểu tác động của các bệnh mờ mắt ở người già.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: