3 lưu ý khi dùng thuốc mỡ tra mắt oflovid đạt hiệu quả tốt nhất
Thuốc mỡ tra mắt Oflovid là một loại kháng sinh. Được chỉ định điều trị viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc,… Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn không biết cách sử dụng thuốc mỡ tra mắt đúng cách và đạt hiệu quả nhất. Cùng vivision kid tìm hiểu nhé!
Sử dụng thuốc mỡ tra mắt Oflovid để làm gì?
Thành phần của thuốc mỡ tra mắt Oflovid
Thuốc mỡ tra mắt Oflovid màu vàng nhạt, không mùi, vô khuẩn. Thuốc có thành phần chủ yếu là 0,3% Ofloxacin.
Kháng sinh Ofloxacin với cơ chế tác dụng ức chế tổng hợp ADN của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Thuốc Oflovid có thể diệt khuẩn ở mức nồng độ ức chế tối thiểu (MIC).
Công dụng chính của thuốc mỡ tra mắt Oflovid
Tác dụng kháng khuẩn: Ofloxacin có khả năng kháng khuẩn mạnh, phổ rộng có thể chống lại các vi khuẩn gây ra bệnh lý nhiễm khuẩn mắt bao gồm:
- Vi khuẩn gram dương: Streptococcus sp. (tụ cầu), Staphylococcus sp. (liên cầu), Corynebacterium sp., Micrococcus sp.,…
- Vi khuẩn gram âm: Pseudomonas sp. (kể cả P. aeruginosa – trực khuẩn mủ xanh), Haemophilus influenzae, Haemophilus aegyptius (trực khuẩn Koch – Weeks), Moraxella sp., Klebsiella sp., Serratia sp., Proteus sp., Acinetobacter Sp.,…
- Vi khuẩn không điển hình: Đặc biệt, Kháng sinh Ofloxacin có tác dụng trên cả các loài Chlamydia, trong đó có Chlamydia trachomatis.
- Vi khuẩn kỵ khí: Propionibacterium acnes,…
Các bệnh lý mắt cần điều trị bằng thuốc mỡ tra mắt Oflovid
Chỉ định
Thuốc mỡ tra mắt Oflovid được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Điều trị viêm bờ mi, viêm túi lệ, chắp (lẹo), viêm sụn mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc (kể cả loét giác mạc) do nhiễm phải các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Ofloxacin đã kể trên.
- Sử dụng làm kháng sinh dự phòng cho mắt dùng trước và sau phẫu thuật.
Chống chỉ định
Thuốc mỡ tra mắt Oflovid không được chỉ định điều trị trong các trường hợp người bệnh có tiền sử dị ứng, quá mẫn với các thành phần có trong thuốc hoặc với bất cứ kháng sinh quinolon nào.
Hướng dẫn cách tra thuốc mắt đúng cách
Liều dùng thuốc mỡ tra mắt Oflovid
Liều thường dùng cho thuốc mỡ tra mắt Oflovid: tra từ 1-3 lần/ngày với liều lượng thích hợp.
Tùy theo tình trạng của từng bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định tăng/giảm liều dùng.
Thời điểm sử dụng thuốc mỡ tra mắt Oflovid
Thời điểm nào thích hợp để tra mỡ Oflovid: nếu tra cùng các thuốc nước khác thì sẽ tra cuối cùng, thường tra trước khi đi ngủ để giảm cảm giác nhìn mờ nhòe do kết cấu mỡ của thuốc.
Các bước tra thuốc mỡ tra mắt Oflovid đúng cách
- Không được chạm trực tiếp đầu lọ thuốc vào mắt để tránh nhiễm bẩn tuýp thuốc.
- Tra một lượng thích hợp (khoảng 1cm thuốc mỡ) vào bên trong mí mắt dưới, 1-3 lần một ngày. Liều có thể được điều chỉnh theo triệu chứng thông qua tần suất sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, mỗi lần tra mắt cần cách nhau ít nhất 30 phút.
- Tra mắt bổ sung ngay khi nhớ ra nếu quên. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn (không đủ 30 phút) thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục theo lịch trình dùng thuốc Oflovid.
- Không được dùng thuốc mỡ tra mắt Oflovid với liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
Lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc mỡ tra mắt
Thận trọng
Một số điều cần chú ý khi dùng thuốc mỡ tra mắt Oflovid:
- Thuốc mỡ tra mắt Oflovid chỉ được dùng đường tra mắt.
- Cần để thuốc xa tầm tay của trẻ em và cần đảm bảo thuốc còn hạn sử dụng.
- Không để thuốc Oflovid dính vào miệng. Nếu vô tình bị dây thuốc lên miệng, phải súc miệng ngay lập tức.
- Đậy kín nắp lọ thuốc Oflovid sau khi sử dụng.
- Không được tự ý tăng hay giảm liều thuốc Oflovid khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Trong quá trình sử dụng thuốc mỡ tra mắt Oflovid, cần phải che chắn, bảo vệ mắt khỏi môi trường khói bụi ô nhiễm.
- Để không bị kháng thuốc, không được sử dụng thuốc trong thời gian quá dài hoặc quá ngắn.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra tính nhạy cảm của vi khuẩn với thuốc và thời gian điều trị nên giới hạn ở thời gian tối thiểu cần để tiêu diệt sự nhiễm khuẩn.
- Thời gian điều trị thuốc mỡ tra mắt Oflovid ở bệnh nhân viêm kết mạc do Chlamydia trachomatis thông thường là 8 tuần, cần thận trọng và luôn có sự theo dõi của bác sĩ khi dùng thuốc này với thời gian dài hơn.
Tác dụng phụ và xử trí
Các tác dụng không mong muốn thường gặp: Ngứa, sưng đỏ mi mắt, viêm bờ mi, xung huyết kết mạc, đau mắt, kích ứng mắt,…
Tác dụng phụ có ý nghĩa lâm sàng: Sốc, phản ứng dạng phản vệ.
Một số tác dụng không mong muốn khác khi dùng thuốc mỡ tra mắt Oflovid như: Quá mẫn, ban, mề đay, phù mắt, viêm bờ mi (mi mắt đỏ/phù), viêm da mi mắt, ngứa, viêm kết mạc (xung huyết/phù kết mạc,…), kích ứng, tổn thương giác mạc (viêm giác mạc nông tỏa lan).
Trên thực tế, thuốc Ofloxacin rất hiếm khi gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Bởi thuốc thường chỉ có tác dụng tại chỗ và ít ngấm sâu vào cơ thể.
Xử trí: Khi thấy trẻ có dấu hiệu gặp các tác dụng phụ không mong muốn, cần theo dõi đặc biệt khi sử dụng thuốc lần đầu. Nếu có bất cứ biểu hiện nào của sốc, phản ứng dạng phản vệ như ban đỏ mặt hoặc toàn thân, khó thở, huyết áp hạ, phù mi mắt,… phải ngưng dùng thuốc ngay và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp xử trí cấp cứu thích hợp.
Tương tác thuốc
Hiện chưa có đủ dữ liệu về tương tác thuốc ở những bệnh nhân sử dụng thuốc tra mắt Ofloxacin. Mặc dù vậy, việc sử dụng Ofloxacin tại mắt vẫn có khả năng hấp thụ vào cơ thể, do đó không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra tương tác thuốc.
Lời khuyên
Thuốc mỡ tra mắt Oflovid tuy thông dụng, dễ mua trên thị trường nhưng không được sử dụng tuỳ tiện. Cần có kiến thức đúng và tuân theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị bệnh lý viêm nhiễm tại mắt tốt nhất và tránh các tác dụng không mong muốn.
Nếu có dấu hiệu bất thường ở mắt, ba mẹ hãy đưa con đến vivision kid thăm khám để đảm bảo sức khỏe mắt cho trẻ một cách tốt nhất, tránh tự ý mua thuốc dùng cho trẻ gây ảnh hưởng xấu đến thị lực trẻ về sau.
Hy vọng những thông tin trên đây về thuốc mỡ tra mắt Oflovid hữu ích với bạn. Việc đi khám mắt định kỳ rất quan trọng trong việc phát hiện sớm và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đặt lịch khám ngay để nắm được tình trạng của mắt bạn nhé!
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: