Nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng khô mắt khi ngủ dậy
Thức dậy vào buổi sáng là 1 việc khó khăn với nhiều người, tuy nhiên nó còn khó khăn hơn khi thức dậy với đôi mắt khô. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn biết nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng khô mắt khi mới ngủ dậy!
Khô mắt khi ngủ dậy biểu hiện như thế nào?
Khô mắt là tình trạng phổ biến trong xã hội ngày nay, đặc biệt là đối tượng sinh viên và nhân viên văn phòng do thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, ipad). Khô mắt chính là hiện tượng nước mắt không cung cấp đủ độ ẩm cho mắt, có thể do hai nguyên nhân phổ biến: lượng nước mắt tiết ra ít (yếu tố số lượng) hoặc nước mắt bay hơi quá nhiều (yếu tố chất lượng). Khi bị khô mắt, người bệnh cảm thấy rất khó chịu, thường có các triệu chứng điển hình sau:
- Đỏ mắt;
- Cộm mắt, cảm giác châm chích như có dị vật trong mắt;
- Nóng rát mắt;
- Nhìn mờ;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Nhìn mờ sau khi chớp mắt, chảy nước mắt nhiều và liên tục, có ghèn gỉ trắng.
Khô mắt nặng có thể làm cho bề mặt nhãn cầu bị tổn thương, tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm kết mạc, viêm giác mạc…, gây suy giảm thị lực. Người bị khô mắt sẽ luôn cảm thấy khó chịu, vì thế dễ mệt mỏi.
Nguyên nhân khô mắt khi ngủ dậy
Nhắm mắt không kín khi ngủ
Người bình thường khi ngủ thì mi mắt sẽ nhắm chặt, đảm bảo bề mặt nhãn cầu được che phủ hoàn toàn, mắt sẽ luôn được duy trì một độ ẩm nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn nhắm mắt không kín khi ngủ sẽ làm cho phần bề mặt nhãn cầu bị hở ra, tiếp xúc trực tiếp với không khí trong thời gian dài mà không được cung cấp nước sẽ gây ra khô mắt khi ngủ dậy. Về lâu dài gây ra các biến chứng như viêm loét giác mạc, viêm kết mạc, viêm giác mạc chấm,…), gây ảnh hưởng đến thị lực, nặng hơn có thể gây mù loà.
Chất lượng nước mắt kém
Màng nước mắt gồm có 3 lớp: lớp lipit, lớp nước và lớp nhầy. Mặc dù là các lớp riêng biệt nhưng có sự tương tác giữa các cấu trúc của màng nước mắt. Lớp lipit được sinh ra bởi các tuyến Meibomius nằm ở phía sau sụn mi, lớp này phủ lên màng nước mắt để làm chậm sự bốc hơi của nước.
Ở một số người, mặc dù lượng nước mắt tiết ra đủ nhưng lớp lipit bị tổn hại, làm cho nước mắt bay hơi nhanh hơn, chất lượng lớp nước mắt kém gây khô mắt.
Sản xuất nước mắt không đủ
Theo viện mắt quốc gia (NEI) Hoa Kì, khô mắt có 2 loại chính là khô mắt do thiếu nước và khô mắt do bốc hơi.
Khô mắt do thiếu nước là một bệnh của chức năng nước mắt, lưu lượng và thể tích nước mắt đến túi kết mạc giảm. Từ đó dẫn đến lượng nước mắt tiết ra không đủ cung cấp cho bề mặt mắt.
Viêm bờ mi/ tắc tuyến meibomius
Tắc tuyến Meibomius gây khô mắt nguyên nhân do các tuyến này sinh ra lớp lipit – có chức năng làm chậm sự bốc hơi của nước mắt. Khi tắc các tuyến meibomius làm lớp lipit không tiết được ra, làm tăng bay hơi, từ đó gây khô mắt.
Thuốc
Sử dụng một số loại thuốc có thể làm giảm tiết nước mắt như:
- Thuốc chống trầm cảm;
- Thuốc chống loạn thần;
- Thuốc hóa trị;
- Thuốc thông mũi và thuốc kháng histamine;
- Thuốc điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa;
- Thuốc tăng huyết áp.
Do môi trường
Ngủ hoặc làm việc ở vị trí gần quạt, điều hoà, lỗ thông hơi…khiến mắt tiếp xúc nhiều với môi trường gió, gây khô mắt.
Làm việc với máy tính tập trung trong khoảng thời gian dài, tần suất chớp mắt ít, nước mắt không trải đều bề mặt nhãn cầu, gây khô mắt.
Cách xử lý khô mắt khi ngủ dậy vào buổi sáng
Thay đổi môi trường ngủ
Không nằm trước quạt hoặc điều hoà ngủ, gió sẽ làm tăng tình trạng khô mắt. Sử dụng điều hoà cần có chậu nước hoặc máy tạo ẩm trong phòng, tránh để phòng quá khô.
Sử dụng thuốc mỡ tra mắt trước khi ngủ
Sử dụng các loại thuốc mỡ tra lên bề mặt mắt trước khi ngủ, trong trường hợp bạn ngủ hở mi, lớp thuốc tra này sẽ giảm tiếp xúc giữa bề mặt mắt và không khí, giữ được độ ẩm, giảm tình trạng khô mắt.
Vệ sinh bờ mi và chườm ấm
Các tuyến bờ mi tắc cũng là một trong những nguyên nhân gây khô mắt. Vì thế, vệ sinh bờ mi sạch và chườm ấm rất quan trọng, nó giúp các tuyến thông thoáng, giảm tình trạng tắc, lớp lipit tiết ra đầy đủ, từ đó giảm bốc hơi nước.
Khi rửa mặt, chúng ta cần chú ý dùng khăn vệ sinh sạch vùng da quanh mắt, mi mắt, lông mi. Sử dụng nước ấm hoặc các loại dầu gội trẻ em (Johnson & Johnson) để làm sạch mí mắt. Dùng khăn sạch giặt bằng nước ấm, vắt sạch nước sau đó chườm lên vùng mắt. Lưu ý không nên để quá nóng tránh gây tình trạng bỏng da. Chườm ấm sẽ giúp giảm tình trạng tắc các tuyến bờ mi.
Máy tạo độ ẩm/ bộ lọc không khí chất lượng cao
Máy tạo độ ẩm giúp duy trì độ ẩm không khí trong phòng ở mức vừa phải, tránh tình trạng quá khô.
Tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động, đó là nguyên nhân gây ra các bệnh mắt nói chung và khô mắt nói riêng. Vì vậy, việc kết hợp sử dụng máy tạo độ ẩm và máy lọc không khí là lựa chọn tối ưu giúp hạn chế vi khuẩn phát triển và giữ độ ẩm ở mức lý tưởng.
Sử dụng kính chắn gió, nắng, bụi
Ở các môi trường nhiều gió, nắng và khói bụi bẩn dễ gây khô mắt, tăng kích ứng cho mắt. Vì thế cần sử dụng kính chắn gió, bụi để ngăn chặn các tác nhân gây hại cho mắt.
Điều trị khô mắt tại nhà không khó, tuy nhiên việc điều trị sai cách có thể khiến bệnh nặng hơn, tiềm ẩn nhiều bệnh mắt khác. Vì thế nếu có các dấu hiệu khô mắt cần đi khám để được tư vấn thêm về các phương pháp dùng thuốc, bổ sung dinh dưỡng để tăng lượng nước mắt, giữ ẩm mắt tốt hơn.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: