Các bệnh mắt trẻ em thường gặp – 7 bệnh mắt trẻ em phổ biến

Các bệnh mắt trẻ em thường gặp ngày nay được quan tâm và phát hiện sớm hơn rất nhiều so với trước đây.

DƯỚI ĐÂY LÀ CÁC BỆNH MẮT TRẺ EM THƯỜNG GẶP

Thị giác của trẻ luôn không ngừng phát triển và hoàn thiện. Bất kỳ các tác nhân nào cản trở quá trình chính thị hoá đều gây hậu quả nghiêm trọng đến trẻ sau này.

Vì vậy việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và khám sàng lọc rất quan trọng để kịp thời đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

1. Nhược thị

Cac-benh-mat-tre-em

Bé gái nhược thị mắt phải đang tập mắt

Nhược thị còn được gọi là mắt lười , nhược thị là tình trạng thị lực sau khi chỉnh quang không đạt được tối đa  như 1 người bình thường so với cùng độ tuổi. Nhược thị có thể xảy ra trên 1 mắt hoặc cả 2 mắt

Các dấu hiệu có thể có:

  • Khó đọc/làm toán/chơi thể thao.
  • Thường xuyên dụi mắt.
  • Nghiêng đầu.
  • Nheo mắt.
  • Rối loạn thị giác hai mắt

Cơ chế sinh nhược thị:

  • Bất đồng khúc xạ: Tương phản khác nhau giữa hai hình ảnh từ mỗi mắt làm tín hiệu thần kinh ưu tiên hình ảnh ở mắt rõ hơn.
  • Lác/ lé: Khi trục thị giác không cùng hướng vào vật sẽ dẫn đến song thị. Để đối phó với tình trạng này, não bộ sẽ ức chế thông tin từ một mắt gây nhược thị tại mắt đó.
  • Mất nhìn: Đục thể thuỷ tinh bẩm sinh, sụp mi qua đồng tử, v.v
  • Rung giật nhãn cầu

Điều trị: Điều trị theo nguyên nhân

Được chia làm 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Kê đơn kính đeo toàn thời gian và theo dõi tình trạng thị lực đến khi thị lực không có cải thiện hơn
  • Giai đoạn 2: Đeo kính kèm theo bịt mắt hoặc gia phạt mắt tốt hơn giúp kích thích thị giác. Bịt mắt cần 2-6h/ ngày. Mỗi chu kỳ là 1 tuần cho mỗi tuần (Ví dụ: 4 tuần cho 4 tuổi, 2 tuần cho 2 tuổi)
  • Giai đoạn 3: Điều trị lác lé bằng các bài tập thị giác cải thiện các vấn đề ức chế, song thị, rối loạn điều tiết và quy tụ.

2. Lác mắt

Là tình trạng mà trong đó có sự lệch trục thị giác của hai mắt khi cùng nhìn một vật.

Lác ảnh hưởng đến thị lực của trẻ như thế nào?

Benh-mat-o-tre-em

Lác ảnh hưởng gì?

Khi hai mắt cùng hướng vào một điểm, não bộ sẽ nhận hai hình ảnh tương ứng kết hợp lại nhưng khi trục thị giác lệch xuất hiện hai ảnh khác nhau và khi đó não bộ sẽ ưu tiên hình ảnh rõ nét hơn gây nguy cơ nhược thị hoặc đồng thời tiếp nhận hai hình ảnh cùng một lúc gây nên hiện tượng song thị.

Dấu hiệu:

  • Hai mắt không cân xứng (một mắt có thể lệch trong, lệch ngoài, lên trên, xuống dưới) khi nhìn thẳng.
  • Trẻ có tư thế lệch đầu, chớp mắt.

Điều trị: Điều trị theo nguyên nhân

  • Chỉnh quang: Toàn bộ độ cận cho lác ngoài hoặc toàn bộ độ viễn cho lác trong. Lăng kính điều chỉnh độ lác.
  • Các bài tập luyện thị giác: Kỳ vọng có thể cải thiện độ lác và khả năng hợp thị cho trẻ. Một số bài tập phổ biến như: 

Dây Brock: Bài tập này giúp thay đổi khả năng quy tụ và phân kỳ thông qua việc nhìn tập trung vào các hạt màu trên sợi dây được xếp theo khoảng cách yêu cầu của chuyên gia.

Việc thay đổi tập mục tiêu tập trung luân phiên giữa các hạt giúp tăng cường biên độ hợp thị.

Thước lỗ Bernell: Gồm các bảng và khung nhựa tập các động tác quy tụ – phân kỳ theo chủ địch.

  • Phẫu thuật

3. Đục thủy tinh thể ở trẻ em

Cac-benh-o-tre-em

Đục thể thuỷ tinh bẩm sinh

Trong các bệnh gây mù và giảm thị lực ở trẻ em thì đục thuỷ tinh thể bẩm sinh có thể điều trị nếu được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên tiên lượng phục hồi còn phụ thuộc vào quá trình điều trị lâu dài kết hợp giữa chỉnh quang và điều trị nhược thị.

Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh là thuỷ tinh thể đục ngay khi sinh ra nhưng thường không được phát hiện ngay khi sinh cho đến khi có dấu hiệu đồng tử trắng

Nguyên nhân 

  • Do di truyền: Các hội chứng toàn thân (Thận – HC Alport, Cơ xương – Marfan, Rối loạn nhiễm sắc thể – HC Down, HC Patau).
  • Bệnh chuyển hóa: Galactose huyết, Huyết tán bẩm sinh, Bệnh Fabry,v.v.
  • Nhiễm trùng trong tử cung mẹ: Rubella, Toxoplasma, Herpes, Thuỷ đậu, Quai bị, Cytomegalovirus.
  • Nguyên nhân sau sinh: Bệnh võng mạc trẻ đẻ non, chấn thương sản khoa, Thuốc chứa corticoid, can thiệp phẫu thuật tại mắt.
  • Đi kèm cùng các bất thường khác tại mắt: Tồn lưu mạch máu nguyên thuỷ, nhãn cầu nhỏ, không mống mắt, viêm màng bồ đào, glocom,v.v.

Triệu chứng: 

  • Đồng tử trắng.
  • Trẻ hay nheo mắt, chói mắt.
  • Lác mắt.
  • Trẻ không chú ý theo gương mặt của bố mẹ hoặc đồ chơi.

Điều trị: Theo nguyên tắc phẫu thuật, chỉnh quang kết hợp điều trị nhược thị

3. Glocom bẩm sinh

Glocom

Glocom là gì?

Glocom là 1 bệnh mắt trẻ em với tình trạng kém phát triển cấu trúc góc tiền phòng tại mắt ở giai đoạn thai kỳ làm cản trở dẫn lưu thuỷ dịch.

Triệu chứng: Điển hình với giác mạc to bất thường thậm chí phù đục, chảy nước mắt, sợ ánh sáng và co thắt mi.

Khám nghiệm chẩn đoán:

  • Nhãn áp: Trẻ sơ sinh có nhãn áp trung bình là 11,4 ± 2,4 mmHg, trẻ dưới 1 tuổi có giới hạn trên của nhãn áp bình thường là 21mmHg.
  • Soi góc tiền phòng 
  • Chụp gai thị 
  • Đo đường kính giác mạc (trẻ có Glocom thường có đường kính ngang >12mm); 
  • Khám các cấu trúc mắt như: giác mạc, kết mạc….

Điều trị: 

  • Điều trị chính trong Glocom trẻ em là kiểm s oát nhãn áp bằng phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc giúp hỗ trợ hạ nhãn áp, giảm phù, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phẫu thuật mở góc và kiểm soát nhãn áp sau phẫu thuật.
  • Sau phẫu thuật cần khám đánh giá định kỳ 3-4 tháng/lần, nếu nhãn áp được kiểm soát trên 2 năm thì 6 tháng/ lần.
  • Cần lưu ý về vấn đề trẻ cần được điều chỉnh tật khúc xạ và điều trị nhược thị.

4. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non 

Đây là 1 bệnh mắt trẻ em do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc trên những trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc thở oxy cao áp kéo dài. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.

Cơ chế: Vào tuần thứ 16 các mạch máu võng mạc xuất hiện và lan dần về phía trước đến khoảng tuần 35 gần như hoàn thiện. 

  • Trẻ sinh thiếu tháng là một yếu tố nguy cơ cao trong khi mạch máu võng mạc phát triển tới cấp máu cho vùng võng mạc ngoại vi. 
  • Đặc biệt, khi trẻ sinh non thở oxy cao áp cao gây co thắt mạch võng mạc dẫn làm gián đoạn quá trình phát triển. Vùng võng mạc thiếu máu xuất hiện tân mạch kèm xơ co kéo lan rộng 360 độ kéo bong võng mạc gây mù loà.

Khám nghiệm chẩn đoán:

  • Sàng lọc với tất cả các trẻ: Cân nặng khi sinh ≤ 1800g và tuổi thai ≤ 33 tuần tuổi. Hoặc trẻ có các yếu tố nguy cơ: Thở oxy cao áp kéo dài, thiếu máu, viêm phổi,…
  • Khám soi đáy mắt có tra giãn đồng tử. Khám mắt cần được tiến hành sau khi trẻ sinh được 3-4 tuần.

Điều trị:

  • Tiêm nội nhãn anti-VEGF (Avastin, Lucentis, Eylea): Ức chế tăng sinh tân mạch.
  • Laser hoặc lạnh đông vùng võng mạc.
  • Phẫu thuật dịch kính võng mạc: Khi bệnh đã đến giai đoạn muộn và nguy cơ bong võng mạc do xơ co kéo.
  • Theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

5. Tắc lệ đạo bẩm sinh 

Đây là 1 bệnh mắt trẻ em thường gặp, do đường dẫn lưu từ mắt xuống mũi bị nghẽn.

Nguyên nhân: 

  • Thiểu sản hoặc không có lỗ lệ.
  • Tắc đường lệ đạo bẩm sinh.
  • Bất thường phát triển vùng xương hàm mặt ảnh hưởng đến lệ đạo.
  • Khối u chèn ép lệ đạo.

Triệu chứng: 

  • Chảy nhiều nước mắt kèm gỉ mắt đặc biệt khi ngủ dậy gỉ vàng quanh mắt.
  • Mắt trẻ thường xuyên ngấn nước mắt.
  • Viêm kết mạc kéo dài.

Điều trị: 

  • Lỗ lệ chít hẹp hoặc không có cần dùng que nong rộng và tìm lệ quản. Nếu hoàn toàn không có dấu tích nhú lệ cần mổ đặt ống dẫn lưu.
  • Rò túi lệ: Phẫu thuật đóng lỗ rò hoặc nếu trẻ có tắc ống lệ mũi phối hợp cần thông lệ đạo.
  • Tắc ống lệ mũi bẩm sinh: Hầu hết có thể tự khỏi sau 4-6 tuần. Bố mẹ cần massage vùng túi lệ, tra nước muối sinh lý vệ sinh mắt hằng ngày. Bắt đầu từ 8 tháng tuổi, trẻ có thể được bơm thông lệ đạo.

Nếu sau khi thông vẫn không có hiệu quả thì cần can thiệp phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.

6. Sụp mi bẩm sinh

Cac-benh-mat-tre-em

Mắt trái bé gái sụp mi

Là tình trạng bất thường từ khi sinh của mi mắt sa xuống thấp hơn bình thường hoặc bất cân đối giữa hai mắt khi nhìn thẳng

Cơ chế:

  • Bệnh liên quan đến cơ chế rối loạn phát triển cơ nâng mi khi các mô cơ bị thay thế bởi mô xơ hoá và mỡ. 
  • Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: Tổn thương cân cơ do chấn thương sản khoa, Khối u bẩm sinh chèn ép mi, liệt dây III,v.v.

Sụp mi gồm 3 mức độ:

  • Nhẹ: Mi mắt che một phần đồng tử
  • Trung bình: Mi mắt tới sát trung tâm đồng tử
  • Nặng: Mi che lấp quá ¾ đồng tử. Nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nguy cơ gây nhược thị rất cao nếu mi mắt che qua đồng tử.

Điều trị: Điều trị dựa trên mức độ chức năng cơ nâng mi còn lại

  • Với những trường hợp mức độ nhẹ và trung bình chỉ cần theo dõi đến khi trẻ đủ 8 tuổi có thể phẫu thuật cải thiện thẩm mỹ
  • Trong trường hợp nặng cần được xử lý sớm (khi đủ 3 tuổi)  tránh nguy cơ nhược thị bất khả hồi.
  • Tuy nhiên sụp mi có thể kèm theo tật khúc xạ cao, do đó cần chỉnh quang sớm trên những trường hợp này

Sụp mi cũng là 1 bệnh mắt trẻ em rất thường thấy ở các bệnh viện mắt hay phòng khám mắt trẻ em.

7. U nguyên bào võng mạc

Đây là một loại bệnh mắt trẻ em thường gặp nhất – ung thư và nó tiến triển rất nhanh. Nó có thể bắt đầu ở một mắt rồi di căn sang mắt còn lại gây phá huỷ võng mạc.

Cuối cùng là di căn vào hệ thần kinh trung ương, tủy xương làm khiến bệnh nhi tử vong chỉ trong vòng vài tháng. Một số ít khối u tự thoái triển làm nhãn cầu teo lại.

Triệu chứng: 

  • Ánh đồng tử trắng chiếm 70-80% các trường hợp do khối u choán chỗ phát triển to ra làm bong võng mạc.
  • Lác: Chiếm khoảng 15-20% các trường hợp khi khối u phát triển vào hoàng điểm (nơi cho thị lực tốt nhất). Vùng nhìn trung tâm bị ảnh hưởng làm mất cảm nhận có thể gây lác trong hoặc lác ngoài.
  • Mất thị lực (nhưng thông thường trẻ sẽ không nhận ra) và không đau nhức khiến cho bệnh được chẩn đoán và điều trị muộn.

Điều trị: Tuỳ theo từng giai đoạn của bệnh mà từng phương pháp sau đây được áp dụng theo thứ tự hoặc có thể phối hợp: Quang đông laser khối u, xạ trị, cắt bỏ nhãn cầu.

Trên đây là tổng quan về 1 số bệnh mắt trẻ em thường gặp và các dấu hiệu của bệnh, hy vọng có thể giúp ích cho các bậc phụ huynh trong việc phát hiện và đưa con đi khám kịp thời.

Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi

Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.