Cách trị mắt đỏ cho trẻ: Làm sao cho đúng?
Hiện nay, đỏ mắt là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em. Mắt có thể bị đỏ do viêm nhiễm, dị ứng, chấn thương hoặc do các nguyên nhân khác. Tùy từng tình trạng mà có thể áp dụng cách trị mắt đỏ cho trẻ tại nhà hoặc phải thăm khám bác sĩ.
Tổng quan về đỏ mắt ở trẻ
Về mặt khái niệm, đỏ mắt là tình trạng các mạch máu nhỏ dưới bề mặt mắt bị sung huyết. Thông thường, đó là phản ứng khi đôi mắt của trẻ bị kích ứng do viêm nhiễm, chấn thương, dị ứng,…
Đỏ mắt có thể chỉ biểu hiện ở một mắt hoặc ở cả hai mắt. Tình trạng này có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, gặp trong dị ứng hoặc chấn thương. Trong nhiều bệnh lý, đỏ mắt có thể kèm theo các triệu chứng khác như: Đau mắt, ngứa mắt, gỉ mắt, nhìn mờ,…
Những nguyên nhân phổ biến gây đỏ mắt
Nguyên nhân gây đỏ mắt rất đa dạng, dưới đây là các nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng này
- Dị ứng: Khi mắt tiếp xúc với các chất gây kích ứng như phấn hoa, lông chó mèo, mỹ phẩm, môi trường bụi bẩn, ô nhiễm,… có thể gây phản ứng dị ứng và dẫn tới bị mắt đỏ
- Đau mắt đỏ: (còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng viêm nhiễm của mắt làm cho màng mỏng phủ trên lòng trắng của mắt (gọi là kết mạc) bị viêm đỏ. Căn nguyên bao gồm: virus (phổ biến nhất), vi khuẩn,…
- Khô mắt: Khô mắt là do giác mạc không được bôi trơn và bảo vệ tốt. Một số biểu hiện đặc trưng của bệnh là: cảm giác mắt khô, rát, cộm, đỏ mắt, chảy nhiều nước mắt,…
- Chấn thương: có thể làm cho một số mạch máu nhỏ trên bề mặt mắt bị vỡ, dẫn tới xuất huyết dưới kết mạc, cũng gây biểu hiện đỏ mắt
- Glocom: là một nhóm bệnh lý làm tổn thương dây thần kinh thị giác với cơ chế là tăng áp lực trong mắt (tức là tăng nhãn áp), cũng có thể có biểu hiện đỏ mắt.
Cách trị mắt đỏ cho trẻ em
Hiện nay, có nhiều cách trị mắt đỏ cho trẻ em. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân gây đỏ mắt mà có thể phù hợp với một phác đồ điều trị riêng biệt.
Cách trị mắt đỏ tại nhà
Nhìn chung, dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ triệu chứng bạn có thể áp dụng tại nhà.
Nghỉ ngơi: Khi bị đỏ mắt, bạn nên để mắt được thư giãn, nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế hoạt động điều tiết. Các thiết bị điện tử như: Điện thoại, laptop, ti vi chứa ánh sáng xanh có thể gây nguy hiểm cho mắt, nhất là khi mắt đang bị thương tổn. Do đó, khi bị đỏ mắt, bạn nên hạn chế tiếp xúc với các thiết bị công nghệ này.
Chườm mát: Khi chườm mát, quá trình tuần hoàn tại mắt được cải thiện, giúp giảm triệu chứng đỏ mắt, ngứa, sưng mắt. Có thể thực hiện cách trị mắt đỏ này nhiều lần trong ngày nếu con cảm thấy dễ chịu, triệu chứng đỏ mắt được cải thiện. Quy trình chườm mát gồm các bước sau:
- Bước 1: Ngâm khăn sạch vào nước lạnh rồi vắt khô hoặc dùng khăn sạch bọc một cục đá lạnh
- Bước 2: Đắp khăn lạnh lên mắt hoặc chườm khăn bọc đá lạnh vào vùng mắt khoảng 5 – 7 phút.
Massage mắt: Bài tập massage mắt có tác dụng thư giãn mắt, hạn chế đỏ mắt, sưng, mỏi mắt. Quy trình massage mắt:
- Bước 1: Chú ý rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch rửa tay trước khi massage
- Bước 2: Dùng ngón giữa và ngón áp út (ngón số 3 và 4) vuốt nhẹ nhàng lên – xuống vùng đuôi mắt 5 lần
- Bước 3: Sử dụng ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng bóp từ vùng đầu cho đến đuôi lông mày trong 5 lần
- Bước 4: Dùng ngón cái xoa hoặc vuốt nhẹ nhàng vào da vùng dưới mắt trong 5 lần.
Vệ sinh mắt sạch sẽ: Vệ sinh mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý có thể được thực hiện nhiều lần trong ngày, giúp giảm đáng kể biểu hiện đỏ mắt, với quy trình như sau:
- Bước 1: Bố mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay
- Bước 2: Giữ cho đầu con ổn định, dùng tay kéo nhẹ nhàng 2 mí mắt để mở rộng mắt
- Bước 3: Nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, chú ý chỉ nên nhỏ từng giọt một
- Bước 4: Sử dụng gạc sạch, tẩm ướt gạc bằng nước muối sinh lý rồi lau nhẹ nhàng bắt đầu từ khóe mắt kéo sang đến đuôi mắt
- Bước 5: Vệ sinh tương tự cho mắt còn lại.
Ngoài ra, ba mẹ cần chú ý tuyệt đối không dùng chung nước muối sinh lý vệ sinh mũi để vệ sinh mắt. Vì loại nước muối sinh lý dành cho vệ sinh mắt được thiết kế riêng, đảm bảo sự vô trùng trong quá trình sản xuất và sử dụng.
Không dụi mắt: thông thường, khi bị mắt đỏ thường kèm theo tình trạng ngứa mắt, dẫn tới dụi mắt liên tục. Hành động này có thể gây nên xước giác mạc, lây lan viêm nhiễm tại mắt hoặc gây bội nhiễm do đưa vi khuẩn trực tiếp từ môi trường ngoài vào mắt. Vì vậy, hãy chú ý hạn chế tối đa việc con dụi mắt.
Cách trị mắt đỏ đặc hiệu:
Các cách trị mắt đỏ tại nhà nêu trên chỉ là các phương pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng. Bởi vì đỏ mắt chỉ được điều trị dứt điểm khi xác định chính xác nguyên nhân, từ đó được bác sĩ kê các loại thuốc điều trị đặc hiệu, giúp cải thiện đỏ mắt rõ rệt. Một số ví dụ như sau
- Nếu xác định căn nguyên gây bệnh là virus herpes, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus acyclovir nhằm giảm nhanh triệu chứng đỏ mắt
- Nếu xác định căn nguyên gây bệnh là vi khuẩn, thông thường bạn sẽ được khuyến cáo dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ có chứa thành phần kháng sinh
- Cách trị mắt đỏ do dị ứng có thể áp dụng: Thuốc nhỏ mắt chứa thành phần kháng histamine, ổn định tế bào Mast, NSAID.
Biểu hiện đỏ mắt ở trẻ em có thể là một tình trạng lành tính, thông thường có thể hết trong thời gian ngắn bởi những biện pháp vệ sinh, chăm sóc đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhãn khoa khuyến cáo bạn vẫn nên đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và áp dụng các cách trị mắt đỏ kịp thời. Bởi vì nếu bỏ lỡ khoảng thời gian điều trị sớm có thể khiến bệnh nặng hơn và dễ để lại các di chứng nặng nề.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.