Chăm sóc sau mổ đục thủy tinh thể ở trẻ em
Đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể điều trị khỏi bằng phẫu thuật. Chăm sóc sau mổ thay thủy tinh thể là khâu quan trọng trong việc phục hồi thị lực cho trẻ, quyết định sự thành công của phẫu thuật.
Sau mổ đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể có biến chứng gì
Biến chứng sớm của đục thủy tinh thể
Viêm không do nhiễm trùng: Đây là một phản ứng viêm do đáp ứng của cơ thể trẻ thường quá mạnh. Biểu hiện gồm sợ ánh sáng, chảy nước mắt và không mở được mắt sau mổ, có thể tồn tại vài ngày đến vài tuần.
Viêm màng bồ đào: Viêm màng bồ đào sau mổ là một biến chứng hay gặp do phản ứng viêm ở mắt trẻ rất mạnh. Nhiều nghiên cứu cho thất, biến chứng này chiếm từ 19-81%. Viêm màng bồ đào do sự lắng đọng sắc tố, mống mắt dính vào mặt trước của thể thủy tinh nhân tạo.
Viêm mủ nội nhãn: Viêm mủ nội nhãn ở trẻ em hiếm gặp và tỉ lệ cũng tương đương người lớn, theo thống kê là khoảng 7/10.000 trường hợp. Các vi khuẩn thường gặp là Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), tụ cầu da (Staphylococcus epidermidis). Yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến viêm mủ nội nhãn sau mổ là viêm tắc lệ đạo, nhiễm trùng hô hấp, chàm quanh mắt. Triệu chứng gồm: đau bất thường quanh hốc mắt, giảm thị lực nhanh, sợ ánh sáng, mí mắt sưng nề, đỏ, kết mạc phù nề nhiều,…
Phù giác mạc: Phù giác mạc gây ra bởi thao tác đưa các dụng cụ vào mắt trẻ làm va chạm vào nội mô giác mạc. Phù giác mạc có thể xảy ra ngay sau mổ. Biến chứng này ở trẻ ít gặp hơn người lớn và có thể hồi phục một cách nhanh chóng.
Biến chứng muộn của đục thủy tinh thể
Đục bao thể thủy tinh: là một biến chứng rất phổ biến sau phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ em. Bao gồm: đục phần bao trước, đục vùng xích đạo và đục bao sau. Một số báo cáo gần đây cho thấy 18 tháng sau mổ, tỉ lệ đục bao sau gần 100%. Nếu đục ít có thể điều trị bằng laser bao sau.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng cách hút chất nhân kết hợp với cắt dịch kính phía trước làm giảm tỷ lệ đục bao sau.
Bong võng mạc: đây là biến chứng muộn và nặng nề của phẫu thuật đục thủy tinh thể, mặc dù tần số rất ít chỉ 1-1.5%. Phẫu thuật bằng cách tán nhuyễn thể thủy tinh hạn chế tối đa được biến chứng này.
Lệch tâm của kính nội nhãn: thường xảy ra ở những mắt bị mất dây chằng treo thấu kính sau chấn thương hoặc không còn đủ bao sau thể thủy tinh để nâng đỡ.
Lệch phần quang học của kính nội nhãn trên mống mắt: làm giảm thị lực hay gây biến chứng như glocom, lệch kính nội nhãn, lệch tâm kinh nội nhãn.
Tăng nhãn áp: tỷ lệ tăng nhãn áp sau mổ đục thủy tinh thể ở trẻ em thay đổi từ 3 – 32% theo các nghiên cứu khác nhau.
Chăm sóc sau mổ đục thủy tinh thể ở trẻ em là rất quan trọng
Đục thủy tinh thể ở trẻ em là bệnh có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Chăm sóc sau mổ thủy tinh thể là một bước rất quan trọng, có thể quyết định sự thành công hay thất bại của phẫu thuật. Dưới đây là những bước chăm sóc sau mổ thủy tinh thể ở trẻ em.
Sử dụng thuốc sau mổ đục thủy tinh thể
Tra dung dịch kháng sinh phối hợp với corticoid 4 lần/ngày trong 2 tuần đầu. Sau đó có thể tiếp tục tra thuốc kháng viêm không steroid 4 lần/ngày trong 1 tháng tiếp theo.
Nếu trẻ còn đau mắt bác sĩ có thể cho trẻ dùng giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen.
Liều lượng và thời gian dùng thuốc sẽ được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn cụ thể. Bố mẹ không nên tự ý dùng thuốc mà chưa có sự tham vấn của bác sĩ dễ dẫn đến biến chứng cho mắt của trẻ.
Bảo vệ và làm sạch sau mổ đục thủy tinh thể
Mắt sau khi phẫu thuật sẽ được che tạm thời bằng gạc và miếng bảo vệ mắt ở bên ngoài. Bố mẹ cần dặn trẻ không tháo miếng bảo vệ mắt, không để trẻ dụi mắt dễ làm sa lệch thể hay tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.
Giữ gìn vệ sinh mắt, hằng ngày trẻ được lau rửa nhẹ mi mắt bằng nước sạch. Những ngày đầu sau mổ trẻ có thể cảm thấy lóa mắt khi nhìn vào ánh sáng vì vậy có thể cho trẻ đeo kính râm nhẹ. Không cúi dốc đầu làm di lệch thể thủy tinh hay tăng áp lực nội nhãn. Khi ngủ, không nên cho trẻ nghiêng sang bên mắt mới mổ.
Sau mổ lấy thủy tinh thể, trẻ không nhất thiết phải nằm bất động, có thể vận động nhẹ nhàng, ăn uống bình thường.
Khám định kỳ và tập nhược thị cho trẻ.
Ngay ngày hôm sau mổ, trẻ được thay băng, kiểm tra mắt, đo thị lực và có thể xuất viện nếu hậu phẫu tiến triển tốt. Sau phẫu thuật, trẻ nên được theo dõi định kỳ 3 đến 6 tháng để đảm bảo không có biến chứng nào xảy ra.
Đối với trường hợp trẻ bị đục thủy tinh thể một mắt rất dễ gây ra nhược thị. Vì vậy, sau mổ đặt kính nội nhãn, bố mẹ sẽ được hướng dẫn hướng dẫn tập nhược thị cho trẻ bằng cách:
- Che mắt tốt để nhìn bằng mắt kém hơn nhằm kích thích phát triển thị giác. Có nhiều nghiên cứu về thời gian che mắt cho trẻ, có thể che 50% thời gian trẻ thức, hoặc 4 đến 6 giờ liên tục mỗi ngày. Điều này nên tuân thủ làm theo sự dặn dò của bác sĩ
- Chú ý cho trẻ sử dụng mắt kém khi che mắt tốt: Che mắt khi trẻ thức có thể khuyến khích trẻ chơi xếp hình, chơi game, xem phim, bố mẹ nên dùng đồ chơi và quan sát, khuyến khích trẻ dùng mắt kém hơn
- Nên kết hợp đeo kính để đạt thị lực tốt nhất.
Khi nào cần đưa trẻ khám bác sĩ ngay?
Sau mổ đục thủy tinh thể ở trẻ em, nếu không có biến chứng nào xảy ra, trẻ thường được cho về nhà sớm và theo dõi tại nhà. Trong một số trường hợp, bố mẹ cần phải cho trẻ đi khám bác sĩ ngay, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau kéo dài dù đã dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ
- Đỏ mắt tăng: đây có thể là triệu chứng báo hiệu có viêm nhiễm xảy ra
- Chảy nước mắt nhiều.
Chăm sóc sau mổ đục đục thủy tinh thể ở trẻ em đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi thị lực cho trẻ. Ba mẹ chú ý quan tâm và phát hiện những dấu hiệu bất thường của bé để kịp thời thông báo với bác sĩ.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: