Đừng bỏ qua những điều sau khi sử dụng thuốc tra mắt atropin
Atropin là một loại thuốc thường hay được thấy trong đơn thuốc của các bạn nhỏ có tật khúc xạ mà các bác sĩ nhãn khoa kê. Vậy các bố mẹ có tò mò về thuốc này là thuốc gì và công dụng của thuốc ra sao không? Hãy cùng vivision kid tìm hiểu nhé
Atropin là thuốc gì?
Atropin là thuốc gì? Atropin là một hoạt chất cholinergic antagonist, có khả năng ức chế các tác động của dẫn truyền thần kinh cholinergic. Thuốc tra mắt Atropin nồng độ thấp(< 1%) đang được nghiên cứu và chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị và kiểm soát tiến triển cận thị.
Thuốc atropin có tác dụng gì? Atropin thường được sử dụng trong việc kiểm soát cận thị ở trẻ em. Nó có khả năng làm giãn đồng tử và liệt điều tiết của mắt, từ đó giúp kiểm soát việc phát triển cận thị ở trẻ nhỏ.
Các thụ thể muscarinic có nhiều trong võng mạc, hắc mạc, củng mạc,.. atropin hoạt động bằng cách ức chế receptor muscarinic cholinergic từ đó làm chậm hoặc ức chế sự phát triển của trục nhãn cầu từ đó làm giảm tiến triển cận thị ở trẻ em.
Các loại atropin trên thị trường hay được sử dụng là: Mytropin 0,01% 5ml, Myatro 0,01%…
Chỉ định và chống chỉ định của thuốc tra mắt Atropin
Chỉ định của thuốc tra mắt Atropin
- Chỉ định trong viêm mống mắt và viêm màng bồ đào với mục đích để làm liệt cơ mống mắt, cơ mi và phòng ngừa hoặc giảm sự kết dính.
- Vì gây liệt thể mi khá mạnh, thuốc tra mắt Atropin được chỉ định trong chẩn đoán xác định tật khúc xạ cho trẻ em dưới 6 tuổi và cho trẻ em bị lác mắt hội tụ.
Chống chỉ định của thuốc tra mắt Atropin
- Khi có phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
- Không chỉ định cho bệnh nhân được chẩn đoán tăng nhãn áp góc đóng.
- Chống chỉ định ở những bệnh nhân có góc tiền phòng hẹp giữa mống mắt và giác mạc vì có thể làm tăng áp lực nội nhãn cấp tính trên bệnh nhân tăng nhãn áp góc đóng.
Hướng dẫn sử dụng thuốc tra mắt Atropin đúng cách
Các loại thuốc Atropin với các nồng độ khác nhau thường được các bác sĩ nhãn khoa chỉ định theo từng mục đích khác nhau như:
- Atropin 1% thường được chỉ định để điều trị viêm mống mắt và viêm màng bồ đào để làm giãn đồng tử và thư giãn cơ thể mi, ngăn ngừa dính bờ đồng tử
- Atropin 0.5% thường được chỉ định cho trường hợp trẻ em có tật khúc xạ độ cao có lác/lé hiện, để loại trừ lác/lé do điều tiết và phát hiện độ khúc xạ chính xác nhất.
- Atropin 0.01% – 0.05% thường được chỉ định cho trường hợp trẻ em có tật khúc xạ là cận thị, để phối hợp cùng các phương pháp khác hạn chế tiến triển cận thị cho trẻ em.
Cách sử dụng cụ thể của thuốc như sau:
- Atropin 0.5%: Đối với bệnh nhân là trẻ em có tật khúc xạ nhỏ 1 giọt vào mỗi mắt 2 lần/ ngày từ 3-5 hôm. Sau đó cần đưa trẻ đến tái khám đúng lịch theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Atropin 1%: Đối với bệnh nhân mắc các chấn thương tại mắt hay viêm mống mắt, viêm màng bồ đào – nhỏ 1 giọt vào mỗi mắt theo chỉ định của bác sĩ
- Atropin 0.01%- 0.05%: Để kiểm soát tiến triển cận thị hiệu quả nên nhỏ 1 giọt vào mỗi mắt 1 lần/ngày trước khi đi ngủ.
Tác dụng phụ của thuốc tra mắt Atropin và cách xử lý
Ngoài những tác dụng chúng ta mong muốn ra thì Atropin cũng có một số tác dụng phụ mà mọi người thường mắc phải. Vậy tác dụng phụ đó là gì? Có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu tác dụng phụ trên một số đối tượng dưới đây.
Đối với trẻ em và người già
- Sử dụng atropin có thể làm tăng nhãn áp, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền phòng nhỏ hoặc góc tiền phòng hẹp. Trước khi bắt đầu điều trị, cần đo nhãn áp và đánh giá độ sâu của góc tiền phòng để tránh các cơn tăng nhãn áp
- Tiếp xúc toàn thân với có thể gây rối loạn hệ thần kinh trung ương (chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ, lo lắng). Rối loạn nhịp (nhịp tim tăng nhanh hơn bình thường). Bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ cao bị các tác dụng phụ toàn thân khi sử dụng như rối loạn tâm thần (Ảo giác, lú lẫn, kích động), rối loạn tiêu hóa (táo bón). Do nguy cơ tăng thân nhiệt, nên thận trọng khi sử dụng thuốc ở những bệnh nhân bị sốt hoặc ở nhiệt độ môi trường tăng cao
- Bệnh nhân có thể tăng độ nhạy cảm với ánh sáng và nên bảo vệ mắt khỏi ánh sáng chói. Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và hạn chế không đi ra ngoài nắng trong những ngày sử dụng thuốc.
Phụ nữ có thai
- Sự an toàn của việc sử dụng cho phụ nữ mang thai chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, các phản ứng bất lợi đã được báo cáo cho thấy sự phơi nhiễm toàn thân đáng kể ngay cả sau khi bôi tại chỗ, và do đó không thể loại trừ nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.
Vì vậy, chỉ nên sử dụng trong thời kỳ mang thai nếu thực sự cần thiết và ở liều thấp nhất có thể.
Tốt nhất không nên sử dụng thuốc Atropin trong thời kỳ mang thai. Nếu bắt bắt buộc phải sử dụng cần chú ý trong những tháng cuối của thai kỳ vì thuốc có thể qua nhau thai ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc tra mắt Atropin
- Đối với việc sử dụng thuốc tra mắt Atropin cho kiểm soát tiến triển cận thị tốt nhất và hiệu quả nhất là sử dụng từ 6 tuổi
- Chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc
- Không sử dụng với các trường hợp trẻ em bị viễn thị, vì làm hạn chế sự phát triển chiều dài của trục nhãn cầu
- Thuốc tra mắt Atropin không có tác dụng dự phòng cận thị, không làm ngừng hẳn tốc độ tiến triển cận thị. Vậy nên bố mẹ không nên tự ý tra mắt cho con khi chưa có chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ để dự phòng cận thị cho mắt con.
Công dụng của thuốc tra mắt Atropin trong điều trị cận thị không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả từ loại thuốc này, việc hiểu rõ về cơ chế hoạt động, liều lượng, và những tác dụng phụ cũng như lưu ý khi sử dụng là vô cùng quan trọng.
Điều quan trọng nhất, luôn nhớ rằng sự hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp là quan trọng để có thể sử dụng một cách đúng đắn và an toàn nhất.
Lời khuyên:
Thuốc tra mắt Atropin rất có tác dụng trong kiểm soát cận thị. Tuy nhiên dùng thuốc sai cách sẽ gây nhiều biến chứng khó điều trị cho trẻ. Đừng bỏ qua những điều cần lưu ý khi sử dụng Atropin để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị cận thị.
Vì vậy, Thuốc tra mắt Atropin nên được dùng và theo dõi bởi các bác sĩ Nhãn khoa. Ngoài ra, hãy thăm khám mắt thường xuyên để chăm sóc mắt một cách tốt nhất.
Để nắm thêm thông tin về các phương pháp kiểm soát độ cận, hãy liên hệ vivision kid đặt lịch khám để được hỗ trợ và tư vấn.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: