Glocom góc đóng là gì? 1 số chú ý về Glocom góc đóng
Glocom góc đóng xảy ra khi góc tiền phòng nơi thoát thuỷ dịch bị bít tắc do sự tiếp xúc của mống mắt vào vùng bè, thuỷ dịch luôn được sản xuất ra nhưng lại không được thoát đi.
Từ đó áp lực trong mắt dần tăng lên – tăng nhãn áp làm biến đổi các cấu trúc nguy hiểm nhất là sự chết các tế bào thần kinh võng mạc gây tăng nguy cơ mù loà.
Thông thường, Glocom góc đóng có các triệu chứng rất dữ dội, cần được cấp cứu và xử lý sớm nhưng một số khác lại có tiến triển âm thầm khiến người bệnh chủ quan.
Triệu chứng của Glocom góc đóng
- Đau đầu, nhức mắt dữ dội
- Buồn nôn
- Nhìn mờ, thấy quầng sáng như cầu vồng xung quanh đèn
- Đỏ mắt
Yếu tố nguy cơ
- Thường gặp ở người 40 tuổi trở lên, đặc biệt là những người có viễn thị
- Giới: Nữ có tỉ lệ mắc nhiều hơn so với nam.
- Chủng tộc: Người Châu Á trong đó có Việt Nam có tỉ lệ góc đóng cao hơn các chủng tộc khác.
- Cấu trúc giải phẫu: Mắt nhỏ, tiền phòng hẹp, thể thuỷ tinh lớn,v.v
- Tiền sử gia đình: Y văn đã ghi nhận những trường hợp Glocom góc đóng có người thân cũng mắc tình trạng này.
Phân loại Glocom góc đóng
Nghi ngờ góc đóng nguyên phát:
Thường phát hiện trên những đối tượng đã có yếu tố nguy cơ hoặc có biểu hiện tại một bên mắt.
Glocom góc đóng nguyên phát: Gồm 2 cơ chế:
- Cơ chế nghẽn: Do sự bất thường cấu trúc bẩm sinh: Mống mắt vồng áp sát phía giác mạc hoặc áp sát thuỷ tinh thể đều làm bít tắc thuỷ dịch gây cơn Glocom cấp (nhãn áp cao đột ngột) hoặc bán cấp (có hoặc không triệu chứng, cắt cơn trong vài ngày hoặc vài tuần).
- Cơ chế không nghẽn: Hiếm gặp, thường do mống mắt chu vi bịt kín vị trí thuỷ dịch dẫn lưu nhưng tiền phòng lại không nông.
Glocom góc đóng thứ phát: Gồm 2 cơ chế:
- Cơ chế kéo về phía trước: Mống mắt phần chu vi bị kéo đè lên vùng bè xơ, viêm làm dính mống mắt bít tắc nơi thoát thuỷ dịch. Một số bệnh gây nên tình trạng này: Glocom tân mạch do biến chứng của bệnh đái tháo đường hoặc tắc tĩnh mạch tại võng mạc; Hội chứng nội mô – giác mạc – mống mắt,v.v
- Cơ chế đẩy về phía sau: Mống mắt bị đẩy áp vào góc tiền phòng bởi thể thuỷ tinh, dịch kính hoặc thể mi. Một số bệnh gây nên tình trạng này: Viêm nội nhãn, Tắc tĩnh mạch võng mạc, khối u nội nhãn,v.v
Điều trị Glocom góc đóng
Nguyên tắc: Hạ nhãn áp với mắt có Glocom và dự phòng với mắt chưa bị lên cơn tăng nhãn áp. Bắt đầu từ thuốc, laser và phẫu thuật còn phụ thuộc vào tình trạng góc tiền phòng.
Thuốc
- Co đồng từ (Pilocarpine): Khi đồng tử co giúp mở rộng góc tiền phòng hơn có thể giúp hạ nhãn áp.
- Khi lên cơn Glocom cấp thì cần các nhóm thuốc: Ức chế men chuyển Carbonic Anhydrase, Nhóm tăng thẩm thấu (Glixerol, Manitol). Cả hai thuốc này đều kích thích tăng thoát thuỷ dịch.
Laser
- Cắt mống mắt chu biên được chỉ định sau điều chỉnh bằng thuốc.
- Laser tạo hình góc tiền phòng: Được chỉ định khi đã cắt mống mắt chu biên nhưng nhãn áp không cải thiện.
Phẫu thuật
- Cắt mống mắt chu biên: Khi mống mắt quá dày không làm laser được.
- Phẫu thuật cắt bè giác-củng mạc: Áp dụng cho các trường hợp: Nhãn áp không điều chỉnh với thuốc và cắt mống mắt chu biên; Sau điều trị với thuốc có cải thiện nhưng đồng tử vẫn bị dãn do cơ đồng tử bị tổn thương.
- Phẫu thuật Phaco kèm theo đặt kính nội nhãn: Chỉ định cho những trường hợp đục thuỷ tinh thể nhân chín trắng làm giảm thị lực và tăng nhãn áp thứ phát.
- Phẫu thuật quang đông thể mi: Khi phối hợp các phương pháp trên mà vẫn không có hiệu quả, mắt đã mất chức năng và đau nhức.
Phòng ngừa Glocom góc đóng
Nếu thuộc một trong số những đối tượng có nguy cơ hoặc xuất hiện các triệu chứng kể trên cần định kỳ kiểm tra mắt thường xuyên để theo dõi để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn biến chứng của Glocom ở giai đoạn sớm.
Ngoài ra cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể và các vitamin như A, C, B12, Omega-3…. để có 1 đôi mắt khoẻ mạnh nhé.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.