Mắt bị viêm giác mạc bao lâu thì khỏi? Làm sao để chóng khỏi?
Nhiều người sau khi được chẩn đoán viêm giác mạc và điều trị bệnh một thời gian vẫn thấy mắt chưa hồi phục hoàn toàn nên thắc mắc phải điều trị trong bao lâu, làm sao để chóng khỏi? Theo dõi bài viết sau đây để biết mẹo giúp nhanh khỏi bệnh.
Mắt bị viêm giác mạc có biểu hiện gì?
Viêm giác mạc là tình trạng viêm có thể do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng như: vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, chấn thương, dị ứng… Triệu chứng nhận biết viêm giác mạc:
- Khởi đầu, người bệnh cảm thấy đau hoặc khó chịu làm cho việc mở mắt khó khăn. Mắt đỏ, bỏng rát, cảm giác như có sạn hoặc ngứa ở trong mắt, chảy nước mắt nhiều;
- Tiếp theo, khi tổn thương nặng hơn, người bệnh sẽ thấy chói mắt khi nhìn, nhạy cảm với ánh sáng, sợ ánh sáng. Dần dần, giảm thị lực, nhìn mờ toàn bộ thị trường hoặc có các điểm chấm mờ trong thị trường;
- Nhìn trên bề mặt của giác mạc có thể thấy những mảng mờ đục, vết trắng xám. Ổ loét, áp xe nằm ở trung tâm hoặc rìa giác mạc.
Khi khám giác mạc bằng cách nhuộm màu và soi đèn quan sát, ta nhìn rõ được tổn thương, có các loại tổn thương giác mạc như: viêm giác mạc chấm(đốm), viêm giác mạc sợi, trợt giác mạc, phù bọng, tân tạo mạch máu giác mạc, sẹo giác mạc..
Mắt bị viêm giác mạc bao lâu thì khỏi?
Thời gian để hồi phục viêm giác mạc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân của viêm giác mạc, kích thước, vị trí và mức độ tổn thương giác mạc, loại viêm nhiễm, cũng như sự chăm sóc và điều trị.
Viêm giác mạc thông thường chia thành 2 dạng chính: viêm giác mạc và viêm loét giác mạc.
- Viêm giác mạc nông: tổn thương bên ngoài lớp biểu mô. Người bệnh được kê đơn thuốc uống và thuốc mỡ thoa mắt thường thuyên giảm sau 15-20 ngày, các tế bào biểu mô được tái tạo lành lại. Nếu loét lớn ở khu vực trung tâm có thể tổn thương đến thị lực lâu dài;
- Viêm giác mạc sâu: tổn thương viêm đến lớp nhu mô, xuất hiện những vết đục trắng có thể phân bố rải rác thành đám rộng (viêm giác mạc hình đĩa do zona, do herpes), thời gian điều trị dài hơn;
- Viêm loét giác mạc: nhìn thấy ổ loét trên bề mặt giác mạc, tổn thương nghiêm trọng có thể làm giảm thị lực, mù. Người bệnh có thể được dùng thuốc tại chỗ và toàn thân để kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
Nếu điều trị thuốc không hiệu quả, phải nạo bỏ ổ áp xe. Thời gian điều trị có thể kéo dài dai dẳng.
Đối với những nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn và nấm, bệnh sẽ nặng hơn, đáp ứng điều trị hạn chế hơn so với những nguyên nhân do virus.
Đối với viêm giác mạc do nấm, người bệnh tự ý dùng corticoid hoặc do sai sót của thầy thuốc, đây là trường hợp thường gặp trên lâm sàng khiến cho người bệnh bị viêm giác mạc kéo dài do kém đáp ứng với thuốc, vì corticoid gây suy giảm miễn dịch càng tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Khi mắt bị viêm giác mạc, quan trọng nhất là phát hiện và điều trị bệnh sớm
Nội khoa
Điều trị viêm giác mạc tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể của từng người bệnh, có thể bao gồm vi khuẩn, virus, dị ứng, nấm hoặc các tình trạng khác. Dưới đây là một số loại thuốc thông thường được sử dụng để điều trị viêm giác mạc:
- Thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh: Nếu viêm giác mạc là do nhiễm trùng vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh phổ rộng như ofloxacin, ciprofloxacin để giảm viêm và loại bỏ vi khuẩn.
- Thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid: Trong một số trường hợp viêm giác mạc nặng hoặc do tự miễn dịch, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid như prednisolone để giảm viêm và triệu chứng.
- Thuốc nhỏ mắt chống dị ứng: Nếu viêm giác mạc là do dị ứng, thuốc nhỏ mắt chống dị ứng như kháng histamin có thể được sử dụng để giảm triệu chứng như ngứa và chảy nước mắt.
- Thuốc nhỏ mắt kháng virus: Trong trường hợp viêm giác mạc do virus, đặc biệt là trong viêm giác mạc cấp, không có thuốc chống virus cụ thể cho từng loại virus. Ngoài ra, một số thuốc hỗ trợ có tác dụng giảm triệu chứng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Thuốc nhỏ mắt chứa chất chống nấm: Nếu viêm giác mạc là do nấm, bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt chứa chất chống nấm như nystatin để điều trị nhiễm nấm.
- Giãn đồng tử: hay dùng trong những trường hợp nặng với mục đích chống dính sau, giảm xuất tiết và giảm đau cho bệnh nhân.
- Dinh dưỡng giác mạc: khi ổ loét bắt đầu có dấu hiệu thoái lui, biểu mô bắt đầu hàn gắn dần từ bờ ngoài ổ loét, các thuốc tăng cường dinh dưỡng giác mạc như vitamin A, B2, B5, nước mắt nhân tạo cần được sử dụng để giúp lành sẹo nhanh chóng.
Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nên được theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ngoại khoa
Rửa mủ, ghép giác mạc là hai can thiệp ngoại khoa được áp dụng. Ghép giác mạc chỉ định trong trường hợp loét thủng hoặc dọa thủng nhằm bảo tồn nhãn cầu.
Ngoài ra, điều trị viêm loét giác mạc tiến triển không đáp ứng với thuốc đặc hiệu, bệnh có nguy cơ lan rộng ra củng mạc cũng có chỉ định ghép giác mạc.
Để viêm giác mạc được hồi phục nhanh, ngoài việc tuân thủ uống thuốc, người bệnh nên biết một số mẹo sau để áp dụng:
- Không để mắt căng thẳng, làm việc, tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều;
- Rửa tay sạch sẽ, tránh dụi mắt làm lây nhiễm dịch tiết ra các đồ vật khi cầm nắm. Nếu nguyên nhân do vi khuẩn, virus hoặc nấm cần hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
Vì những biến chứng nguy hiểm nên khi đã được chẩn đoán, người bệnh nên tuân theo phác đồ của bác sĩ để có thể hồi phục thị lực sớm nhất.
Tùy tình trạng và mức độ tuân thủ điều trị mà bệnh có thời gian hồi phục khác nhau. Nếu có bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề gì nghi ngờ viêm giác mạc, bạn nên thảo luận với bác sĩ ngay lập tức.
Đặt lịch khám tại vivision kid để được các bác sĩ nhãn khoa khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị. Cùng vivision kid bảo vệ đôi mắt của bạn nhé.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: