Sưng mắt do dị ứng: Chú ý phân biệt với những bệnh về mắt sau

Hiện nay, dị ứng mắt là tình trạng khá phổ biến với các triệu chứng như: mắt sưng và đỏ, ngứa mắt, chảy nước mắt,…Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh có các dấu hiệu tương tự. Vậy, những nguyên nhân nào có thể nhầm lẫn với sưng mắt do dị ứng?

Dị ứng mắt có triệu chứng gì? Nguyên nhân do đâu?

Dị ứng mắt xảy ra khi mắt tiếp xúc với những tác nhân gây kích ứng như: bụi bẩn, mạt nhà, nấm mốc, các sản phẩm chăm sóc da, lông thú cưng,…hoặc do dị ứng thức ăn, thời tiết, … Bệnh lý này phổ biến vào các thời điểm giao mùa.

Dị ứng nói chung là một phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng – gọi là dị nguyên. Tương tự, khi mắt tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể sẽ sản xuất ra histamine, chất này len lỏi vào các mô quanh mắt, từ đó gây ra một số triệu chứng như:

  • Đỏ mắt, đau nhức mắt
  • Ngứa rát, khó chịu tại vùng mắt
  • Cay mắt, thường chảy nhiều nước mắt
  • Sưng nề mi mắt, có thể sưng một hoặc hai bên
  • Mắt thường tăng nhạy cảm với ánh sáng. 
Bieu-hien-khi-bi-di-ung-mat

Biểu hiện khi bị dị ứng mắt

Những nguyên nhân khác cần chẩn đoán phân biệt

Chỉ khi chẩn đoán chính xác nguyên nhân thì việc điều trị mới có hiệu quả. Vì vậy, bạn cần lưu ý một số nguyên nhân thường gây nhầm lẫn, cần chẩn đoán phân biệt với sưng mắt do dị ứng sau đây.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng viêm tại mắt khiến cho kết mạc mắt bị viêm đỏ. Đau mắt đỏ có thể do một số nguyên nhân khác nhau gây ra như virus (là nguyên nhân phổ biến, nguy hiểm nhất), do vi khuẩn hoặc do các tác nhân gây viêm khác. 

Một số biểu hiện của đau mắt đỏ tương tự như dị ứng mắt: mắt sưng và đỏ, ngứa mắt,… Bên cạnh đó, dấu hiệu đặc trưng giúp dự đoán nguyên nhân đau mắt đỏ do vi khuẩn là rỉ mắt có màu xanh hoặc vàng; còn nguyên nhân do virus là có thể kèm với viêm long đường hô hấp (sổ mũi, hắt hơi, ho, sốt,…). Tùy nguyên nhân gây bệnh là gì mà có phác đồ điều trị riêng biệt.

Dau-hieu-cua-dau-mat-do-(mat-ben-phai)

Dấu hiệu của đau mắt đỏ ( mắt phải )

Chắp, lẹo

Chắp mắt và lẹo mắt là hai bệnh lý viêm nhiễm tại mi mắt, gặp ở tất cả mọi lứa tuổi. Biểu hiện chung của bệnh chắp và lẹo là những ổ sưng nề ở vùng mi mắt, dẫn tới đau nhức, phù nề tại mi mắt. 

Chắp mắt là tình trạng tắc nghẽn những tuyến Meibomian tại mi mắt (tuyến tiết dầu), dẫn tới các dấu hiệu sau: mắt sưng và đỏ, ngứa mi mắt,…. Sau khoảng vài ngày, chắp biến thành khối tròn, không đau, to dần thành một khối đỏ ở mi mắt, khi sờ thường cứng chắc hơn lẹo.

Lẹo mắt thường do vi khuẩn sinh mủ (như tụ cầu,…) xâm nhập vào những tuyến nang lông tại mi. Biểu hiện của lẹo: Khi mới xuất hiện, mi mắt sẽ hơi sưng đỏ, kèm ngứa và đau. Sau đó, vị trí đau sẽ nổi dần lên một khối chắc, kích thước nhỏ như hạt gạo, kèm cảm giác như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng. Sau 3 – 4 ngày, khối sưng bị mưng mủ rồi vỡ ra. 

Viêm mô tế bào hốc mắt

Viêm mô tế bào hốc mắt là tình trạng nhiễm trùng mí mắt hay các mô mềm quanh nhãn cầu. Điểm cần lưu ý với bệnh lý này là thường bị một bên mắt, không lan sang bên mắt còn lại và hay gặp ở trẻ dưới 6 tuổi. 

Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn (phổ biến là tụ cầu và liên cầu). Vi khuẩn vào mắt theo con đường chấn thương trực tiếp tại mắt hoặc lây lan từ các vùng nhiễm khuẩn khác. Đây là bệnh lý cần được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ vì có thể diễn tiến rất nghiêm trọng gây suy giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí dẫn tới viêm màng não.

Cần làm gì khi bị sưng mí mắt?

Dưới đây là những biện pháp chung ban đầu trước khi bạn được thăm khám chuyên sâu bởi các bác sĩ, nhằm hạn chế tình trạng sưng mắt, ngứa, đỏ mắt.

Vệ sinh mi mắt sạch sẽ

Việc vệ sinh mi mắt sẽ giúp loại bỏ các bụi bẩn cũng như các tác nhân gây viêm nhiễm, gây dị ứng khác,…Quy trình thực hiện như sau: 

  • Bước 1: vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay
  • Bước 2: dùng gạc sạch thấm nước muối sinh lý lau từ trong mí ra ngoài, lặp lại 2 – 3 lần
  • Bước 3: lau tương tự với mắt còn lại. Chú ý không dùng chung gạc cho hai mắt để tránh trường hợp lây nhiễm chéo.

Chườm mắt giúp giảm sưng đau

Có 2 phương pháp là chườm ấm hoặc chườm mát. Khi chườm mắt, quá trình tuần hoàn tại mắt và các mô xung quanh được cải thiện, giúp giảm nhanh chóng tình trạng mắt sưng và đỏ. 

Chú ý quy trình cần được thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn cho mắt như: phải sử dụng khăn sạch, ngâm khăn với nước có nhiệt độ phù hợp (không quá nóng hay quá lạnh), đắp khăn lên mắt với thời gian thích hợp (mỗi lần khoảng 5-10 phút)…

Không dụi mắt

Để giảm ngứa mắt, chúng ta thường hay dụi mắt. Tuy nhiên, nếu thực hiện hành động này nhiều lần, đặc biệt với bàn tay không sạch có thể dẫn đến những vấn đề như xước giác mạc, nhiễm trùng mắt, lây các bệnh nhiễm khuẩn tại mắt,… Vì vậy, hãy áp dụng các biện pháp giảm ngứa khác thay vì dụi mắt.

Dui-mat-co-the-gay-cac-tac-hai-xau-cho-mat

Dụi mắt có thể gây các tác hại xấu cho mắt

Không sử dụng kính áp tròng, hạn chế trang điểm

Trong thời gian bị sưng mắt do dị ứng nói riêng và các nguyên nhân khác nói chung, bạn không nên sử dụng kính áp tròng để hạn chế tối đa tình trạng kích ứng mắt cũng như thuận tiện cho việc vệ sinh, chăm sóc mắt.

Ngoài ra, một số mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da có các thành phần hóa học, hương liệu dễ gây dị ứng. Vì vậy, để đảm bảo một môi trường tốt nhất cho đôi mắt trong thời điểm này, hãy hạn chế trang điểm và nên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp.

Như đã nêu trên, sưng mắt do dị ứng có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh về mắt khác. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây mắt sưng và đỏ là rất quan trọng. Vì vậy, hãy đến với vivision kid để được các chuyên gia Nhãn khoa đầu ngành thăm khám, chẩn đoán kịp thời và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý nhất. 

Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi

Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.