Tại sao càng dụi mắt càng ngứa? Cách khắc phục tình trạng này
Càng dụi mắt càng ngứa là tình trạng khá phổ biến mà nhiều người gặp phải. Có nhiều tác nhân gây nên tình trạng này, có thể do bụi bẩn, phấn hoa hoặc do sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài,… Để giảm thiểu ngứa mắt, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây.
Nguyên nhân càng dụi mắt càng ngứa
Dụi mắt càng ngứa là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác nhau và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mắt bao gồm dị ứng, viêm, hoặc khô mắt. Nếu tình trạng này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn thì không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu dụi mắt gây ngứa mắt kéo dài, kèm theo các triệu chứng khác như đỏ mắt, hoặc tầm nhìn bị giảm đi thì cần đi khám bác sĩ để tìm được căn nguyên gây ra triệu chứng khó chịu này. Sau đây là một số nguyên nhân điển hình gây ra ngứa mắt:
- Khô mắt: Khi mắt khô, bề mặt mắt trở nên dễ tổn thương và nhạy cảm hơn. Khô mắt được hiểu đơn giản là có ít nước mắt được sản xuất để duy trì độ ẩm trên bề mặt mắt, làm cho mắt trở nên ngứa ngáy, cay, bỏng rát;
- Dị ứng: càng dụi mắt càng ngứa là dấu hiệu khá đặc trưng cho dị ứng mắt. Khi mắt tiếp xúc với các chất kích thích gây dị ứng như phấn hoa, bụi,… làm mắt trở nên kích ứng, từ đó dẫn đến ngứa mắt. Khi bạn dụi mắt, bề mặt mắt càng chà sát với tác nhân, vừa làm tổn thương mắt, vừa khiến cho mắt nhạy cảm hơn với tác nhân;
- Mất ngủ: Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể không có đủ thời gian để phục hồi và tái tạo năng lượng. Mất ngủ có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và căng thẳng cơ bản trong toàn bộ cơ thể, bao gồm cả vùng mắt. Mắt có thể trở nên khô và ngứa hơn khi bạn không có đủ thời gian ngủ;
- Stress có thể làm tăng nguy cơ mắt ngứa hoặc kích thích mắt. Stress có thể gây ra một loạt các phản ứng với cơ thể, bao gồm cả sự tăng cường sản xuất histamine. Histamin là một chất có tác dụng giãn mạch, có thể gây kích thích và làm tăng cảm giác ngứa;
- Kích ứng khi đeo kính áp tròng: Đeo kính áp tròng có thể làm tăng cảm giác khô mắt do kính áp tròng như một lớp ngăn cách giữa giác mạc và môi trường. Một số người có thể phản ứng với chất liệu của kính áp tròng hoặc dung dịch làm sạch kính, gây ra kích ứng và cảm giác ngứa;
- Một số bệnh lý khác: càng dụi càng ngứa mắt có thể là một trong những triệu chứng của viêm kết mạc hoặc các vấn đề viêm nhiễm khác liên quan đến mắt. Viêm kết mạc do dị ứng và viêm bờ mi là hai bệnh khá điển hình gây ngứa mắt dữ dội.
Mối nguy hại khi dụi mắt nhiều
Dù dụi mắt có thể đem lại cảm giác dễ chịu chốc lát và kích thích nhẹ việc sản xuất nước mắt, hành động này nếu thực hiện liên tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ra nhiều vấn đề và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mắt. Dưới đây là một số mối nguy hại khi bạn thường xuyên dụi mắt:
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Mắt là một bộ phận của cơ thể dễ dàng bị nhiều vi khuẩn xâm nhập qua việc tiếp xúc tay lên mắt. Dụi mắt quá mức dễ gây ra xước kết – giác mạc, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là khi bàn tay không được sạch sẽ;
- Tổn thương vùng da mỏng manh quanh mắt: Vùng da xung quanh mắt thường mỏng hơn so với các khu vực khác trên khuôn mặt. Tần suất dụi mắt nhiều có thể gây xây xát đồng thời tạo ra nếp nhăn quanh mắt;
- Tình trạng dị ứng nặng nề hơn: dụi mắt nhiều có thể góp phần làm tăng tình trạng dị ứng và làm nặng nề các triệu chứng dị ứng;
- Tăng nhãn áp: theo nhiều nghiên cứu khoa học hiện nay đã chỉ ra rằng dụi mắt nhiều khiến cho bệnh tăng nhãn áp nặng hơn. Nếu bạn vốn có bệnh tăng nhãn áp, việc dụi mắt sẽ khiến tình trạng bệnh xấu đi thậm chí có thể gây mất thị lực;
- Khô mắt nặng hơn: khi bạn dụi mắt, mắt thường không mở đủ rộng để bề mặt mắt được tiếp xúc với không khí. Điều này có thể làm giảm tần suất chớp mắt và tạo điều kiện cho mắt bị khô hơn.
Cách khắc phục tình trạng càng dụi mắt càng ngứa
Để hết tình trạng ngứa mắt bác sĩ sẽ điều trị theo từng nguyên nhân, để bệnh được điều trị triệt để.
Đối với ngứa mắt do bị viêm nhiễm, người bệnh sẽ được kê thuốc kháng sinh nếu tác nhân là vi khuẩn hoặc thuốc chống virus nếu tác nhân là virus.
Đối với ngứa mắt do nguyên nhân dị ứng, việc đầu tiên người bệnh cần làm để khắc phục tình trạng ngứa mắt là hãy loại bỏ hết các tác nhân gây dị ứng, đi ra khỏi vùng chứa tác nhân. Tùy vào mức độ của bệnh, bác sĩ có thể kê cho uống thuốc chống dị ứng hoặc nhẹ thì không cần thiết, triệu chứng có thể tự biến mất.
Ngoài ra, để giảm các triệu chứng càng dụi mắt càng ngứa , bạn có thể tham khảo và thực hiện biện pháp sau:
- Vệ sinh mắt: bằng cách rửa mắt thường xuyên bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để loại bỏ các tác nhân gây kích thích và giảm ngứa. Hoặc có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc này có thể giúp giảm triệu chứng ngứa mắt bằng cách ức chế histamin;
- Tránh dùng tay chạm mắt: vì nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh vào mắt hoặc lan truyền mầm bệnh ra xung quanh khi chạm tay vào đồ vật khác;
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử: giảm thiểu thời gian bạn làm việc hoặc giải trí trên màn hình máy tính. Bạn nên đảm bảo màn hình máy tính của bạn được đặt ở mức độ sáng phù hợp để giảm thiểu mệt mỏi cho mắt, sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh hoặc để chế độ ban đêm nếu bạn sử dụng điện thoại trong điều kiện thiếu ánh sáng;
- Giữ cho mắt luôn ẩm: Để giảm tình trạng mắt khô và ngứa, bạn có thể thử sử dụng nước mắt nhân tạo để cung cấp thêm độ ẩm cho mắt, uống đủ nước hàng ngày giữ cho cơ thể được cân bằng nước;
- Chăm sóc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng kính áp tròng;
- Hạn chế môi trường có nhiều khó và bụi.
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng càng dụi mắt càng ngứa có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây ra triệu chứng, cách bạn xử trí, thói quen của bạn đối với mắt. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng càng dụi mắt càng ngứa, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ hoặc chuyên viên y tế kiểm tra, thăm khám, giúp bạn có phương pháp chăm sóc mắt tốt nhất.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.