Trẻ nhiễm HPV bị nổi mụn ở mắt có nguy hiểm? Phải làm thế nào?
Nhiễm HPV có thể khiến trẻ mọc mụn ở mí mắt (còn gọi là mụn cóc hoặc mụn cơm) hoặc môi trẻ. Điều này khiến ba mẹ lo lắng, bài viết dưới đây giúp giải đáp lo lắng của ba mẹ.
Chẩn đoán nổi mụn ở mí mắt do nhiễm HPV
Mụn ở mí mắt thường là mụn cóc dạng sợi mảnh, còn gọi là mụn cóc Filiform, khác với hầu hết các loại mụn cóc khác. Mụn cóc có hình dạng thuôn dài, nhô ra ngoài bề mặt da khoảng 1 – 2 mm, xuất hiện đơn độc, không thành chùm và có thể có màu nâu, đỏ hồng hoặc giống màu da, hơi vàng nhẹ. Mụn cóc dạng này thường xuất hiện ở vị trí quanh mí mắt và môi nên còn gọi là mụn cóc ở mặt.
Mụn cóc dạng sợi mảnh có nguyên nhân do virus u nhú ở người (HPV) gây ra và rất dễ lây lan. Virus gây mụn cóc chủ yếu lây qua đường tiếp xúc da với da và những vùng da có vết thương hở. Tỷ lệ mắc bệnh mụn cóc ở trẻ em cao hơn người lớn rất nhiều có thể do trẻ hiếu động, dễ bị trầy xước chân tay, hay đi chân không, cắn móng tay hay nghịch đất cát… Mặc dù lành tính chứ không phải ung thư, nhưng mụn cóc vẫn có thể gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và đôi khi gây đau đớn.
Mụn cóc dạng sợi mảnh ngoài thường xuất hiện trên môi, mí mắt còn xuất hiện ở cổ và đôi khi trên ngón tay và bắp chân. Loại mụn cóc này cũng có thể nhanh chóng lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Mụn cóc dạng sợi mảnh thường không đau và có thể được chẩn đoán chỉ bằng nhìn. Tuy nhiên, khi mụn cóc được hình thành tại các vị trí nhạy cảm, chẳng hạn như nếp gấp trên da, có thể gây cảm giác ngứa, chảy máu, đau đớn và khó chịu.
Điều trị gì khi trẻ nhiễm HPV bị nổi mụn ở mí mắt?
Mụn cóc có thể biến mất theo thời gian. Nhưng mụn ở trên mặt như mí mắt hay môi có thể khó điều trị hơn những vị trí khác, và thường gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nhưng sau khi khỏi có thể tái xuất hiện lại do không thể chữa khỏi HPV hoàn toàn.
Một số phương pháp điều trị bác sĩ thường dùng khi trẻ bị nổi mụn ở mí mắt là:
- Thuốc bôi: Những loại thuốc bôi có thành phần hoá học bao gồm 5-fluorouracil, imiquimod, hoặc benzoyl peroxide, bôi trực tiếp lên mụn cóc. Dưới tác dụng lột da, mụn cóc sẽ dần biến mất;
- Phẫu thuật điện vòng (LEEP): Bác sĩ sử dụng một vòng dây đặc biệt để cắt bỏ các tế bào mụn cóc;
- Đốt: Còn được gọi là đốt điện, các bác sĩ sử dụng tia laser (ánh sáng cường độ cao) hoặc lưỡi dao điện để đốt và loại bỏ mụn cơm. Sau đó bác sĩ sẽ cạo bỏ những phần sót lại trên da. Đây là phương pháp tốn kém và thường để lại sẹo, nên chỉ áp dụng cho mụn cơm khó chữa;
- Áp lạnh: Trong quá trình áp lạnh, hay còn gọi là phun nitơ lỏng, bác sĩ da liễu phun khí nitơ lạnh lên bề mặt mụn cơm. Hơi lạnh của khí nitơ sẽ tạo thành nốt phỏng quanh mụn, mô tế bào chết sẽ tự bong ra trong vòng một tuần sau đó. Phương pháp này sẽ được thực hiện lặp đi lặp lại cho đến khi mụn cóc biến mất;
- Liệu pháp miễn dịch: Tiêm phòng HPV cho trẻ khi đủ độ tuổi để tiêm.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám nếu bị nổi mụn ở mắt
Mụn cóc có thể lành tính, tuy nhiên khi mọc trên mắt gây mất thẩm mỹ cho trẻ. Nếu mụn cóc mọc quá to hoặc quá nhiều, có thể đưa trẻ đi khám để có biện pháp loại bỏ tốt nhất, không để lại sẹo cho trẻ.
Đặc biệt, cần đưa trẻ bị nổi mụn ở mắt đi khám sớm nếu trẻ có các triệu chứng bất thường như:
- Ngứa ngáy, khó chịu;
- Chảy máu từ mụn cóc;
- Đau nhức, to nhanh;
- Xuất hiện nhiều thêm với số lượng và tốc độ lớn.
Ngăn ngừa lây lan HPV gây nổi mụn ở mắt
Trẻ em bị nhiễm HPV là đối tượng rất dễ làm lây lan virus. Vì trẻ hiếu động, chưa có ý thức giữ sạch sẽ đúng cách, sinh hoạt trong môi trường học đường dễ tiếp xúc gần và xây xát với các bạn càng dễ lây lan virus HPV qua vết thương hở. Bên cạnh đó, thói quen ông bà bố mẹ thường thơm nựng bé nên cũng dễ lâu lan hơn.
Ngăn ngừa lây lan HPV khi trong gia đình và trường học khi có trẻ bị mắc
- Luôn dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách thường xuyên, giữ bàn tay sạch, không chạm vào mụn, nếu lỡ chạm vào mụn cần rửa sạch tay ngay;
- Chăm sóc da cho trẻ cẩn thận để tránh lây virus, không chải, cắt hoặc cạo ở những vị trí có mụn cơm;
- Không nặn mụn hay tiếp xúc trực tiếp với mụn;
- Không dùng chung đồ cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, bấm móng tay với trẻ bị nhiễm HPV;
- Nếu da mặt trẻ có vết thương, cần băng vết thương bằng urgo và rửa sạch bằng nước muối sinh lý hàng ngày để tránh HPV lây nhiễm;
- Cho trẻ đi khám để được chẩn đoán và chỉ định điều trị sớm;
- Với người chưa nhiễm: Tiêm phòng vacxin HPV.
Ngăn ngừa mọc mụn cơm do HPV
- Không được cắn móng tay, mụn cơm thường xuất hiện khi da bị tổn thương, vết thương da hở. Việc cắn vùng da quanh móng tay dễ tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào da;
- Không nên đi lại bằng chân không, đặc biệt trên các bề mặt ẩm ướt;
- Giữ cho chân khô, nếu bàn chân hay đổ mồ hôi nhiều cần đi tất hút ẩm;
- Tránh làm tổn thương vị trí lòng bàn chân, nơi mụn cơm thường dễ phát triển;
- Chăm chỉ tập thể dục thường xuyên, tập thể thao vừa sức để có thể nâng cao sức khỏe và đề kháng cho bản thân, tăng cường hệ miễn dịch khoẻ giúp hạn chế xâm nhập và ảnh hưởng của virus gây bệnh.
Nổi mụn ở mắt do HPV là dạng mụn cóc sợ mảnh không ác tính, hiếm gây ra biến chứng, tự biến mất sau một thời gian. Nhưng đôi khi mụn cóc phát triển quá to hoặc quá nhiều, tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, đặc biệt là mắt và môi gây nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sinh hoạt của trẻ hàng ngày. Trẻ có thể bị bạn bè kì thị không chơi cùng vì bị nổi mụn cóc ở mắt, dẫn đến không vui, stress và tự ti.
Vì vậy, nếu nổi mụn ở mắt ba mẹ không nên tự điều trị tại nhà mà cần đưa trẻ khám ở những phòng khám uy tín để được chẩn đoán, nghe hướng dẫn chăm sóc, phòng lây lan cho con và có biện pháp điều trị đúng đắn và kịp thời mà không gây để lại tổn thương gây ảnh hưởng thẩm mỹ cho trẻ.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.
Gắn thẻ: