Viêm giác mạc đốm là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Khi mắc bệnh về mắt, câu hỏi bác sĩ nhận nhiều nhất là “Bệnh có ảnh hưởng đến thị lực, có nguy hiểm không?” Tùy từng nguyên nhân mà bệnh diễn biến khác nhau. Viêm giác mạc dạng đốm tiến triển nặng có thể loét và thủng giác mạc.
Viêm giác mạc đốm là gì?
Viêm giác mạc đốm (hay còn gọi viêm giác mạc chấm nông) là một dạng viêm giác mạc nông, chỉ tổn thương lớp biểu mô giác mạc.
Hình ảnh của tổn thương là những chấm nhỏ li ti trên bề mặt giác mạc bắt màu thuốc nhuộm fluorescein khá rõ những không bắt màu rose bengal. Những chấm nhỏ này là một đám tế bào biểu mô bị sưng phù, nổi lên trên bề mặt giác mạc
Biểu hiện của viêm giác mạc đốm:
- Mắt người bệnh bị đỏ do xung huyết các mạch máu xung quanh rìa giác mạc
- Nhìn thấy những chấm nhỏ màu trắng xám, li ti trên bề mặt giác mạc
- Mắt nhìn mờ hơn, thị trường có thể mờ lốm đốm
- Người bệnh cảm thấy mắt dễ bi kích thích, chói khi ánh sáng chiếu vào, hay cảm thấy đau rát như đang có dị vật.
Ngoài ra còn một số triệu chứng đặc trưng cho từng nguyên nhân gây bệnh như: Hở mi mắt, bờ mi sưng phù do viêm bờ mi, khô mắt,…
Nguyên nhân gây viêm giác mạc đốm
Viêm giác mạc đốm có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, ai cũng có thể là đối tượng của các nguyên nhân gây bệnh. Bệnh viêm giác mạc đốm do nhiều nguyên nhân gây ra.
Dựa vào vị trí của các đốm trên giác mạc có thể đoán được nguyên nhân gây bệnh: Chấm nông chủ yếu ở phần cực trên giác mạc trong viêm kết mạc dị ứng hoặc đeo kính tiếp xúc không hợp.
Nếu do khô mắt hay giảm cảm giác giác mạc hoặc mắt bị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều sẽ thường xuất hiện chấm nông ở khoảng giác mạc giữa khe mi. Chấm nông ở vùng cực dưới giác mạc thường gặp trong trường hợp bệnh viêm bờ mi dưới.
Sau đây là một số nguyên nhân hay gặp
- Virus: Adenovirus, Herpes là nguyên nhân hay gặp nhất. Trong đó Adenovirus thường gây triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi sau vài ngày.
Bệnh do Herpesvirus gây ra tổn thương nông giác mạc nếu không được điều trị đúng sẽ gây tổn thương sâu.
Các chấm nhỏ li ti liên kết lại với nhau thành những tổn thương hình cành cây, bản đồ, để muộn hơn có thể gây hoại tử giác mạc.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây viêm giác mạc đốm sau
- Sử dụng kính áp tròng không đúng cách, đeo kính áp trong trong thời gian dài, người dùng dị ứng với loại dung dịch rửa kính
- Khô mắt, hở mi là những tổn thương tạo điều kiện cho những tác nhân khác xâm nhập vào. Bình thường, màng nước mắt bao phủ bên ngoài có tác dụng bảo vệ, rửa trôi bụi bẩn bám trên bề mặt nhãn cầu. Đối với người bệnh bị khô mắt, hở mi, màng bảo vệ này không còn liên tục nên, mắt dễ bị vi khuẩn tấn công
- Không che chắn, bảo vệ mắt khi tiếp xúc với môi trường độc hại, kích ứng như thợ hàn tiếp xúc với tia hàn nhiều. Trong tia hàn có chứa tia hồ quang điện như hồng ngoại, tia UV,.. Những tia này bản chất là các hạt kim loại nhỏ li ti bắn ra trong quá trình hàn. Khi không được bảo vệ, các hạt kim loại này bắn vào mắt gây viêm kết mạc và viêm giác mạc. Hơn nữa, làm việc trong môi trường nhiệt độ cao cũng làm cho màng nước mắt chóng bay hơi
- Dị ứng là bệnh tái đi tái lại nhiều lần theo mùa hoặc theo khí hậu thời tiết. Một người bị dị ứng kết mạc mắt mạn tính nguy cơ bị viêm giác mạc chấm nông sẽ cao hơn người bình thường.
Viêm giác mạc đốm có nguy hiểm không
Viêm giác mạc đốm là thể nhẹ của viêm giác mạc, điều trị không khó, thường ít để lại biến chứng và di chứng. Nhưng nếu bệnh không được phát hiện và có biện pháp chăm sóc tốt có thể tiến triển thành loét sâu giác mạc.
Vì vậy viêm giác mạc ở mọi mức độ đều không được chủ quan, coi nhẹ bệnh hay tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Theo khảo sát cho thấy, phần lớn biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân có thói quen tự sử dụng thuốc không có sự tham vấn của bác sĩ.
Một số tình trạng như khô mắt, hở mi, dị ứng có thể khiến tình trạng viêm giác mạc điều trị kéo dài hoặc tái mắc nhiều lần, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc kháng sinh hoặc chống dị ứng, chống virus trong đợt dịch để dự phòng bệnh tránh biến chứng nặng.
Làm thế nào để mau khỏi bệnh
Để viêm giác mạc mau khỏi, việc làm quan trọng nhất là tuân thủ điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn cần áp dụng những cách sau để quá trình hồi phục giác mạc diễn ra nhanh hơn.
- Ngừng sử dụng kính áp tròng cho đến khi khỏi hẳn. Đổi loại kính khác hoặc dung dịch rửa kính nếu nghi ngờ nó là nguyên nhân gây viêm giác mạc
- Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính, tránh bụi bẩn, tránh ánh sáng trực tiếp vào mắt gây kích thích mắt.
- Chủ động cấp ẩm cho mắt trong trường hợp khô mắt bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo
- Không tự mua và sử dụng thuốc đặc biệt là corticoid. Corticoid là một loại thuốc được gọi là “con dao hai lưỡi”, nó có thể làm giảm triệu chứng rất nhanh khiến người bệnh dễ chịu nhưng lại làm giảm sức đề kháng, giảm khả năng liền sẹo giác mạc, có nguy cơ tăng nhãn áp khi dùng kéo dài.
- Tăng cường dinh dưỡng cho mắt: bổ sung vitamin A, C, B2, B5, B12 và một số chế phẩm khác như vitacic, huyết thanh bê (solcoseryl), dạng tra hoặc dạng uống. Những thuốc này có tác dụng tăng quá trình chuyển hóa ở giác mạc, giúp hàn gắn tổn thương và biểu mô hóa giác mạc.
- Học tập và làm việc đảm bảo khoa học, không để mắt làm việc trong thời gian căng thẳng kéo dài, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, nếu được, trong thời gian bị bệnh để mắt nghỉ hoàn toàn.
Viêm giác mạc đốm là bệnh phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải, phát hiện và điều trị sớm để bảo vệ thị lực của bạn. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như khô mắt, hở mi hoặc cơ địa dị ứng, hãy đến gặp bác sĩ để có cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
vivision kid tin rằng với đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn cao sẽ là nơi an toàn để bạn đặt trọn niềm tin bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt của mình.
Các giải pháp khắc phục, phòng ngừa mắt nhức mỏi
Uống vitamin: Các loại vitamin và các khoáng chất với liều lượng thích hợp rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Các loại vitamin có chứa chất chống oxy hóa và các thành phần giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm mỏi mắt, chẳng hạn như vitamin A, C, E, B – complex và kẽm.